Thứ bảy, 7/4/2018, 20h46

“Hóa giải” đề văn mang tính thực tế

Nhân đọc bài viết “Đề văn sẽ mang tính thực tế” (Giáo dục TP.HCM ngày 21-3), tôi xin có ý kiến trao đổi thêm về vấn đề này.

Trong vài năm trở lại đây, đề thi môn văn tuyển sinh lớp 10 và THPT quốc gia đều mang tính thực tế đã kích thích sự sáng tạo, chủ động và phát huy năng lực cảm nhận vấn đề của học sinh. Nhưng làm thế nào để học sinh không bị động, bất ngờ trước những dạng đề mang tính thời sự? Trên thực tế, đã có nhiều học sinh ngơ ngác, không hiểu câu chuyện, sự việc được đưa vào đề hoặc chỉ nhớ mang máng là đã được nghe qua, đọc đâu đó… Vì thế, học sinh khó có được sự chủ động cần thiết để định hướng cho bài làm. Thành ra, các em chỉ dựa vào cảm tính, viết dựa theo nội dung một cách chung chung; khó đạt được điểm cao. Vì sao có tình trạng này? Vì các em chỉ biết lướt “nét”, chỉ dành thời gian cho việc chơi game mà thiếu sự đầu tư cho việc ôn luyện hàng ngày. Vậy làm thế nào để khắc phục?

Trước hết, các em phải dành thời gian đọc báo hàng ngày, nhất là những trang mục dành cho giới trẻ hoặc đọc những tin tức cập nhật về các tấm gương người tốt việc tốt, tấm gương về khắc phục khó khăn, hoàn cảnh để vươn lên của tuổi trẻ… (như trả lại tiền cho người đánh rơi, dù khuyết tật nhưng vẫn vươn lên bằng nghị lực…). Đó còn là những chủ đề về biển đảo (chuyện hai em Nguyễn Diệu Huyền và Mai Ngọc Như, học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, TP.Đông Hà, Quảng Trị dành 7 tháng vẽ truyện tranh lịch sử về Gạc Ma); về lòng yêu chuộng hòa bình; về bảo vệ môi trường sống; về mơ ước của lứa tuổi học đường… Chọn lọc những chủ đề chính, có ghi chép các nội dung cần thiết và luôn suy ngẫm về những vấn đề mà câu chuyện đưa ra. Cái lợi nữa là thông qua việc đọc báo, các em sẽ học và vận dụng được cách viết, diễn đạt, diễn giải vấn đề làm sao cho hấp dẫn, sinh động.

Song song đó, vai trò của giáo viên rất quan trọng. Giáo viên là người định hướng, cung cấp những câu chuyện, tin tức cho học sinh qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm… Có thể phối hợp việc giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua những câu chuyện về người tốt việc tốt; về những tấm gương vượt khó học giỏi. Công việc này vừa có tác dụng giáo dục học sinh vừa cung cấp kiến thức thực tế cho các em một cách sinh động, thiết thực. Đặc biệt, các em cũng cần trao đổi với nhau về những tin tức cập nhật hàng ngày thay vì chỉ “chát” một cách vô bổ, mất thời gian. “Học thầy không tày học bạn” là như thế!

Bên cạnh đó, gia đình cũng cần quan tâm trong việc cung cấp kiến thức thực tế này cho con em bằng cách tạo điều kiện cho con đọc báo, cập nhật tin tức; trao đổi cùng con những tin tức mới, những tấm gương vừa xuất hiện.

Lê Đc Đng (Sóc Trăng)