Thứ hai, 24/5/2010, 15h05

Hoa nở trên đất thép

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cùng lãnh đạo thành phố và huyện Củ Chi chụp hình lưu niệm tại lễ khánh thành trường TH Tân Thông

Về thăm Củ Chi hôm nay, ai cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng “Đất thép thành đồng”. Đường Xuyên Á rộng 4 làn xe chạy nối trung tâm TP.HCM với trung tâm huyện Củ Chi. Đường liên ấp, liên xã trải nhựa, bê tông phẳng lỳ. Hai bên đường xưa kia là đồng hoang mông quạnh, nhà tranh vách đất, nay là những xóm làng trù phú, cây cối xanh tươi với những ngôi nhà kiên cố, khang trang...
Phát huy truyền thống quê hương
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Luân, 81 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Củ Chi thời kỳ đánh Mỹ, mới biết xưa kia huyện Củ Chi thuộc quận Hóc Môn, mãi đến năm 1957, mới tách thành huyện Củ Chi. Ông cho biết: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy cam go, ác liệt cho đến khi kết thúc chiến tranh, Củ Chi có hơn 10.000 người dân thiệt mạng, 4.385 người bị thương tật, 28.421 căn nhà bị ủi phá đốt cháy, 23.000 hộ/ 32.000 hộ là gia đình thương binh liệt sĩ. Quân và dân Củ Chi đã đánh 4.269 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương 22.582 tên địch, phá hủy 5.168 xe quân sự, bắn rơi 256 máy bay các loại, bắn chìm 22 tàu, xuồng chiến đấu... huyện Củ Chi đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”, Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn huyện có 800 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 33 anh hùng lực lượng vũ trang, 9 tướng lĩnh quân đội…
Đất Củ Chi xưa đánh giặc anh hùng là vậy, đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng lại đi đầu trong xây dựng, sản xuất. Ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi vui mừng nói với chúng tôi: “Huyện Củ Chi đã được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, điều quan trọng hơn cả là cuộc sống người dân Củ Chi ngày càng khấm khá hơn. Trong quá trình nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Củ Chi trong 35 năm qua, đến nay về kinh tế đã phát triển khá mạnh, tiến trình đô thị hóa được đẩy nhanh. Hiện nay Củ Chi đã quy hoạch 5 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp, thu hút trên 2.000 công ty, xí nghiệp đầu tư trên địa bàn. Trong đó, có 67 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, giải quyết gần 50.000 ngàn lao động có việc làm ổn định tại địa phương”. Bên cạnh việc xây dựng các khu công nghiệp, trên lĩnh vực hoạt động thương mại dịch vụ, khu vực phát triển làng nghề cũng được huyện quan tâm, đầu tư tích cực. Đến nay, cùng với việc phát triển đàn bò sữa, sản xuất rau an toàn thì hoa lan và cây kiểng chính là thế mạnh trong cơ cấu phát triển nông nghiệp của địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thạnh Tây thì: “Cả xã có khoảng 10 hộ trồng lan và cây kiểng với thu nhập bình quân hàng năm hơn 500 triệu đồng trên hộ. Nhiều trường đại học, người trồng lan ở các tỉnh, thành bạn và TP.HCM cũng đến đây để tham quan, tìm hiểu mô hình, kỹ thuật, cách thức sản xuất hoa lan ở vùng đất này”. Cùng với việc phát triển nhanh về kinh tế, xã hội… mạng lưới giao thông cũng phát triển đồng bộ. Góp phần tích cực phát triển kinh tế địa phương.
Đất thép xưa và nay

Đất thép đã nở hoa từ trong máu lửa, giờ đây tiếp tục nở hoa trong thời bình!

Đầu tháng 3-1973, Tiểu ban Giáo dục khu vực Sài Gòn - Gia Định đã cử người về phối hợp cùng với cán bộ giáo dục huyện Củ Chi để xây dựng phong trào dạy và học. Và hai lớp học đầu tiên được xây dựng tại ấp Sa Nhỏ (xã Trung Lập Thượng) và Phú Thuận (xã Phú Mỹ Hưng) với mục đích thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo các xã khác. Để động viên con em nhân dân đi học, trước lúc mở lớp các thầy cô giáo phải hòa vào sống cùng dân, đào công sự, dọn dẹp các vết tích chiến tranh, rồi tiến tới tổ chức học hát, học múa… Sinh hoạt tập thể vui quá, nhất là các thầy quá tốt, quá nhiệt tình, học sinh mê. Vậy là phụ huynh cũng thông việc cho con em đi học. Sự chủ động, sáng tạo của người làm giáo dục vùng giải phóng đã mang lại những thành quả ngoài sức mong đợi: từ khi mở lớp mới có 20 em học sinh và một lớp bổ túc 4 học viên, cho tới cuối năm 1974 số học sinh tăng lên 284 em. Ngoài ra còn có 6 lớp bổ túc ban đêm với 60 học viên. Hệ thống trường lớp ở xóm ấp đã thu hút được 89% trẻ đến trường. Nhà giáo Lưu Văn Nam nhớ lại: “Khi đó, lớp học ở ngay trong nhà dân, bàn ghế là thùng đạn, bảng đen là thùng pháo hoặc một tấm ván nhỏ. Để tránh địch càn quét, mỗi học sinh có một túi ni lông đựng sách vở, sáng đem chôn cất kỹ, chiều moi túi sách lên đi học”. Để đạt được những kết quả đó đã có biết bao câu chuyện đẹp về giáo dục vùng bắc Củ Chi từ sau ngày hiệp định Paris ký kết đến ngày giải phóng. Để sự học lên ngôi, phụ huynh góp 1.000 cây tầm vông, 500 tấm tranh, 86 cây cột xây hai ngôi trường An Phú và Phú Mỹ Hưng. Trong cảnh “bom rơi, đạn nổ”, có cô giáo như cô Minh (Trường Cây Điệp) đã quên thân mình lao vào khói lửa của bom napan để cứu học trò…
Sự nghiệp giáo dục của vùng bắc Củ Chi là bài học lớn về tinh thần vượt khó, sự chủ động sáng tạo, ý thức trách nhiệm của người thầy và vấn đề xã hội hóa giáo dục. Và bây giờ, sau 35 năm, bài học đó đã được kế thừa, phát huy. Chỉ tính riêng năm học 2008-2009, Củ Chi đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu giáo dục đào tạo như: huy động 100% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo; 100% trẻ đủ 6 tuổi vào lớp 1; 100% học sinh hoàn thành bậc tiểu học; bậc THCS tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt 98,55%; HS tốt nghiệp THCS vào lớp 10 phổ thông, lớp 10 bổ túc và học nghề. HS khá giỏi đạt 79,6%, 47 học sinh lớp 9 được công nhận HS giỏi cấp thành phố; toàn huyện có 96,48% HS lớp 12 tốt nghiệp phổ thông. Có hơn 1.056 HS trúng tuyển các trường ĐH, CĐ năm học 2009. Thực hiện có hiệu quả công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các bậc học. Đất thép thành đồng cũng rạng ngời với những điển hình giáo dục, vươn đến tầm khu vực như: Trường Tiểu học An Phú 1 từ năm 2007 đã bước nhanh lên vị trí dẫn đầu bậc tiểu học của TP, được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ hai; Trường Mầm non Bông Sen 2 vinh dự được công nhận danh hiệu Anh hùng lao động và năm 2002 là trường mầm non đầu tiên của TP được công nhận đạt chuẩn quốc gia…
Lê Quang Huy