Thứ bảy, 18/11/2017, 17h14

Hoài niệm với đĩa than

Vào những thập niên 50-80 của thế kỷ trước, thú chơi đĩa than (đĩa nhựa, vinyl) rất phổ biến tại Việt Nam. Sau một thời gian vắng bóng, thú chơi đĩa than được nhiều người tìm về như một sự hoài niệm với quá khứ.

Máy nghe đĩa than với hình bông hoa loa kèn rất độc đáo

Thú chơi “quý tộc”

Sài Gòn chiều mưa, tiếng nhạc phát ra từ một quán cafe nằm lặng lẽ trong khu Bắc Hải ồn ào, náo nhiệt. Chủ quán là một “tay chơi” đĩa than không quá xa lạ với những tín đồ đĩa than giữa lòng Sài Gòn. Lắng nghe những âm thanh ấy, có lẽ lòng người chỉ mong cho những cơn mưa Sài Gòn cứ kéo dài hơn nữa. Thế nên, những ai từng nghe đĩa than thường có cảm giác chìm đắm trong âm thanh để cảm nhận cuộc đời đang trôi chảy ngoài kia. Quá khứ, hiện tại đôi khi xoay vòng trong những vòng quay của đĩa than.

Giữa thời nhạc số đang lên ngôi như hiện nay, đĩa than sẽ khó có đất sống, có chăng là những ai yêu sự hoài cổ mới tìm về đĩa than bởi âm thanh của tiếng kim trên mặt đĩa than luôn gợi lại kỷ niệm của một thời lãng mạn và say mê. Những ai lần đầu tiên được thấy đĩa than cũng đều ấn tượng trước hình ảnh chiếc đĩa than màu đen to tướng, máy nghe đĩa là bông hoa loa kèn đồ sộ.

Trang bìa đĩa than của hãng đĩa Hồng Hoa nổi tiếng một thời

Người yêu đĩa than bị cuốn hút bởi kỹ thuật ghi và đọc đĩa than mang đến những âm thanh trung thực và “mộc” nhất. Không quá khó để nhận biết âm thanh từ đĩa than có độ nổi, sự tách bạch với nhạc cụ và giọng ca sĩ. Với những người yêu đĩa than, được sở hữu chiếc đĩa than đã là niềm vui khó tả thành lời. Khoảng thập niên 1960, đĩa than cải lương hay tân nhạc là thú vui thời thượng lúc bấy giờ bởi khi ấy, sóng truyền hình chưa xuất hiện. Đáp ứng nhu cầu thực tế đó, hàng loạt hãng đĩa ra đời ở Sài Gòn lúc bấy giờ để phục vụ những người yêu âm nhạc, tiêu biểu nhất phải kể đến hãng đĩa Hồng Hoa. Trên tay cầm chiếc đĩa than tuồng cải lương vang bóng một thời “Nửa đời hương phấn”, anh Tuấn Anh (Q.10) không giấu được niềm vui xen lẫn sự thích thú khi được sở hữu chiếc đĩa quý giá này. “Tôi mất một thời gian khá lâu để săn tìm những chiếc đĩa than mình yêu thích. Ông nội tôi vốn là người mê nghệ thuật cải lương. Ngày bé, tôi được nghe “Nửa đời hương phấn”, “Sân khấu về khuya”... từ đĩa than của ông. Nghe riết rồi tôi đâm ra ghiền. Lớn lên, tôi quyết đi tìm lại những chiếc đĩa than để mong quay về tìm chút ký ức của những năm tháng ấu thơ ra đi không trở lại”. Ngoài đĩa than nhạc tân thời giai đoạn trước, anh Tuấn Anh còn sở hữu một “gia tài” là những đĩa than nhạc nước ngoài. Thú chơi tốn kém nhưng vì lòng đam mê, anh và nhiều người có cùng sở thích không ngại ngần kiếm tìm.

Mạch ngầm còn chảy với thời gian

Hiện nay, ở Sài Gòn có một vài quán cà-phê Hi-end được chủ quán trang bị đĩa than. Con số này dẫu chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng đã cho thấy đĩa than chưa bao giờ trôi vào quên lãng. Nhiều chủ quán cà-phê cũng là người sưu tầm đĩa than. Có người mở quán đôi khi chỉ vì đam mê, vì tình yêu với đĩa than. Lâu dần, họ biến nơi ấy thành chốn gặp gỡ, trao đổi của những người có chung sở thích.  “Nghề chơi cũng lắm công phu”, họ học hỏi, chia sẻ lẫn nhau về những điều tuyệt vời còn chưa khám phá hết của đĩa than. Trong một diễn đàn dành cho người chơi đĩa than còn chia sẻ những “mẹo” để bảo quản đĩa than. Đã không ngại ngần với thú chơi “quý tộc” này thì những việc tìm kiếm phụ kiện như chổi carbon để chải bụi trên đĩa, bình xịt dung dịch chống tĩnh điện, súng thổi bụi bằng khí nén, chổi và dung dịch đặc biệt để làm sạch đầu kim… không quá khó với người đam mê đĩa than. Đĩa than còn được người chơi bảo quản trong tủ kính để tránh bụi, hơi ẩm và nhiệt độ cao.

Bảo quản đĩa than không đơn giản như đĩa thường

Đĩa than mang lại cho người nghe những âm thanh sống động nhất mà đầu đọc CD chất lượng cao vẫn không thể có được. Tuy nhiên, đĩa than “kén” người nghe, người sưu tầm bởi đĩa than đắt tiền, dàn đĩa cồng kềnh và hơn cả là khi thưởng thức đĩa than cần một không gian nghe nhạc phù hợp. Thế nên ngày nay, đĩa than thường được đối tượng là những người nghe nhạc sành điệu, đam mê và nhiều tiền hướng đến. Trong thị trường âm nhạc Việt Nam hiện đại, vài nghệ sĩ cũng đã từng đầu tư cho cuộc chơi với đĩa than như Mỹ Linh, Đức Trí, Quang Dũng, Đức Tuấn... Đĩa than bán ở Việt Nam cũng có giá “quý tộc” nên không thể thịnh hành mà chỉ phổ biến trong cộng đồng những người yêu đĩa than.

Một cuộc hồi sinh mạnh mẽ cho đĩa than là điều chưa thể khẳng định bởi giữa thời công nghệ nhạc số, giới trẻ có nhiều điều kiện thưởng thức âm nhạc khác nhau. Tuy nhiên, đâu đó giữa những góc nhỏ của Sài Gòn, đĩa than vẫn có một sức sống bền chặt, không dễ gì mai một. Lưu giữ, sưu tầm đĩa than cũng chính là bảo tồn vốn cổ.

Yên Hà