Thứ hai, 7/10/2013, 21h10

Hoạt động hướng nghiệp cho HS, SV ở TP.HCM: Đủ cơ sở để triển khai hiệu quả nhưng vẫn còn thiếu…

Ông Ngô Doãn Chính, Giám đốc Công ty CP Văn hóa Ngôi Nhà Xanh phát biểu tại hội thảo do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức vào ngày 3-10-2013
Vừa qua, hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp cho HS phổ thông, TTGDTX…” do Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp với Trường TCN Du lịch và khách sạn Khôi Việt tổ chức đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các trường phổ thông, TCN, CĐN và các cơ sở giáo dục không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các ngành GD-ĐT địa phương lân cận…
Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu tham dự đều thẳng thắn chia sẻ cảm nhận, kinh nghiệm và thực tế triển khai công tác hướng nghiệp ở cơ sở như Trường TCN Du lịch và khách sạn Khôi Việt, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, ĐH Sài Gòn… cho đến Sở GD-ĐT TP và Bộ GD-ĐT đều nhìn nhận, dù đã quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để hướng đến mục tiêu triển khai công tác hướng nghiệp nhưng thực tế vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Ngay sau hội thảo, Giáo Dục TP.HCM đã nhận được bài viết chia sẻ từ ông Ngô Doãn Chính, Giám đốc Công ty CP Văn hóa Ngôi Nhà Xanh (gọi tắt là Ngôi Nhà Xanh). Với mong muốn tiếp tục góp phần vào việc nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Giáo Dục TP.HCM xin trích đăng nội dung bài viết trên.
“…Với góc độ cá nhân, là người đã từng tham gia làm việc tại nhiều doanh nghiệp nước ngoài như nguyên Giám đốc khai thác sản xuất cho thương hiệu KANGAROOS (Manager Sourcing); Giám đốc sản xuất, Trưởng đại diện Công ty Thomas Hennig GmbH.ASI GmbH (Oversea Director); và hiện là nhà cung cấp chính thức, được ủy quyền cho thương hiệu KAPPA (Authorized Supplier); Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành (C.E.O) Công ty CP Tuyết Xanh (Snow Green VN)… cũng như với góc độ là doanh nghiệp có nhiều quan hệ với đối tác, có kinh nghiệm thực tế trong công tác nghiên cứu và phát triển sản xuất, tư vấn và trực tiếp tổ chức các chương trình, hoạt động giáo dục khi còn du học và làm việc ở nước ngoài. Khi về nước, chúng tôi đã ấp ủ và đặt tâm huyết trong việc xây dựng Đề án hướng nghiệp cho HS phổ thông và SV nhằm giúp các em có hành trang tốt nhất để chọn đúng ngành học, nghề nghiệp tương lai.
Qua tiếp xúc với các đối tác, và qua khảo sát thực tế, chúng tôi đều nhận thấy kiến thức và kỹ năng thực tế của các em đều chưa thể sử dụng ngay được khi nhận việc tại một doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp. Các em sẽ phải qua nhiều khóa tái đào tạo, nâng cao tay nghề dù đã được thực tập trước khi tốt nghiệp. Hoặc khi các em đã vào làm việc ở doanh nghiệp thì sau một thời gian cũng không phát triển về nghề nghiệp vì cho rằng công việc không phù hợp…

Để có được những sản phẩm nhựa composite xinh xắn, người thợ đã trải qua nhiều công đoạn sản xuất

Qua chia sẻ, trao đổi của quý thầy cô trong hội thảo, cũng như qua tổng hợp và phân tích thông tin về hướng nghiệp tại TP.HCM trong thời gian qua, theo tôi, công tác hướng nghiệp đã có nhiều điều kiện thuận lợi, đã tổ chức nhiều loại hình như tư vấn, tham quan thực tế nhà máy, tổ chức hội thảo, hội nghị… nhưng vẫn còn thiếu sự tập trung, xuyên suốt trong quá trình triển khai. Ví dụ: Cơ sở nào cũng đều biết các yếu tố cần và đủ (lý thuyết) để triển khai hiệu quả, và cũng có thể tự tổ chức cho các em đi thực tế nhà máy (thực hành) nhưng như đã chia sẻ, tất cả đều mang tính “ngắn hạn”, “phong trào”. Ở trường phổ thông, hoạt động hướng nghiệp chỉ thực hiện một vài chương trình tư vấn và tổ chức một chuyến đi thực tế nhà máy nhưng ở mức độ “bước ngắn” bởi GV chuyên trách chưa có mà chỉ kiêm nhiệm, thời gian quá ít và đặc biệt không hấp dẫn các em.
Như vậy, theo tôi việc hướng nghiệp hiệu quả cho các em đó chính là chúng ta cần cung cấp thông tin về các ngành nghề thực tế trong xã hội cho các em hiểu và quyết định chọn ngành học phù hợp. Các thông tin này sẽ dựa trên sự hợp tác với các kỹ sư, chuyên gia ngành nghề thì mới sử dụng hữu ích và có tính thực tế cao. Tiếp theo là phải có một “đầu mối” đứng ra tổ chức, kết nối với doanh nghiệp hướng dẫn cho các em đến tận nơi sản xuất để thấy, để cảm nhận và hiểu rõ hơn về các ngành nghề. Thiết nghĩ, sau khi qua các bước này, chính các em sẽ là người quyết định đúng về ngành học và nghề nghiệp phù hợp trong tương lai của mình. Nếu chúng ta quyết tâm làm được điều này thì công tác hướng nghiệp sẽ từng bước nâng cao tính hiệu quả.
Không chỉ riêng tôi nhìn nhận mà quý thầy cô cũng đã đánh giá hoạt động hướng nghiệp được triển khai, được đánh giá là hiệu quả và xuyên suốt. Cụ thể là chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho HS phổ thông do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức hàng năm. Hoạt động này diễn ra ngay từ các trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM và mở rộng đến  sở GD-ĐT các tỉnh, thành cũng như trên phương tiện truyền thông (các bài viết chuyên sâu, tổ chức thực hiện ấn phẩm tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, du học…) đã thực sự có hiệu quả và có ý nghĩa rất lớn.
Về phía Ngôi Nhà Xanh, chúng tôi đã xác định hai nhiệm vụ trọng tâm khi thành lập Trung tâm Thông tin hướng nghiệp, đó là xây dựng Trung tâm Thông tin về các ngành nghề: Các em có thể đến trung tâm để tìm hiểu và thu thập thông tin các ngành nghề, và có thể sao chép, trích lục tư liệu liên quan (điều này hoàn toàn miễn phí cho các em); chủ động làm cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, trong đó phối hợp với các chuyên gia, kỹ sư thuộc các phòng đào tạo, truyền thông của doanh nghiệp để xây dựng tư liệu hướng dẫn khi các em đi tham quan thực tế. Qua Báo Giáo Dục TP.HCM, chúng tôi mong muốn nhận được sự góp ý và hợp tác với nhà trường trong công tác hướng nghiệp thời gian tới”.
Được biết, đây là đơn vị có tâm huyết với công tác hướng nghiệp cho HS phổ thông và SV. Thời gian qua, Ngôi Nhà Xanh đã xây dựng đề án thành lập Trung tâm Thông tin hướng nghiệp và đã được Sở GD-ĐT TP.HCM cho phép thành lập. Trung tâm có chức năng xây dựng hệ thống thông tin về các ngành nghề và tổ chức các hoạt động làm cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp với mục tiêu đào tạo gắn liền với thực hành.
Bài, ảnh: Hồng Tâm