Thứ sáu, 23/10/2015, 10h28

Học 3 năm, có 2 bằng ĐH khá, giỏi

Bằng nhiều nỗ lực, sinh viên Huỳnh Nguyễn Mai Chi không chỉ lấy được 2 bằng ĐH với xếp loại khá, giỏi mà còn ra trường trước thời hạn

Nỗ lực gấp 3 lần người khác, học cả ngày chủ nhật, kỳ nghỉ hè hay bất cứ thời gian trống nào, Huỳnh Nguyễn Mai Chi (sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) vừa đủ điều kiện lấy cùng lúc 2 bằng ĐH trước thời hạn.

Đáng nói, cả hai ngành Mai Chi đều tốt nghiệp loại khá, giỏi. Cụ thể, ngành thương mại điện tử (điểm toàn khóa 7,9) và tài chính ngân hàng (8,0).

Một học kỳ, học tới… 14 môn

Ban đầu, Mai Chi chỉ có nguyện vọng học ngành thương mại điện tử nhưng trong quá trình học, em bị “hấp dẫn” thêm cả ngành tài chính ngân hàng. Kế hoạch học song ngành được Mai Chi tức tốc vạch ra, thời điểm đó là vào cuối năm thứ nhất.

Tuy nhiên, việc học của Mai Chi vướng phải nhiều khó khăn khi hai ngành lệch nhau tới… 21 môn. Nỗi sợ lớn nhất của em chính là các môn của hai ngành trùng lịch học hoặc những môn cần học lại không mở lớp. Chính vì vậy, em phải nghiên cứu rất kỹ, ưu tiên học trước môn nào thuận lợi và sắp xếp các môn trùng lịch sang đợt khác.

“Ngành thương mại điện tử mỗi môn học chỉ có 1 lớp, còn tài chính ngân hàng là ngành mũi nhọn của trường nên từng môn có nhiều lớp hơn. Do vậy, khi đăng ký môn học, em ưu tiên đăng ký môn của ngành thương mại điện tử trước, sau đó trống lịch mới chọn tiếp môn cho ngành còn lại. Em cũng ráng sắp xếp, học song song với các bạn học chính ngành tài chính ngân hàng. Các bạn đó học môn gì, em học theo môn đó. Thêm vào đó, em phải học cả học kỳ phụ như học kỳ hè và thứ bảy, chủ nhật để kịp tiến độ. Có những học kỳ em phải học tới 13, 14 môn thay vì thong thả như các sinh viên khác”, Mai Chi cho biết.

Đôi lúc xảy ra điều oái oăm, khi Mai Chi đã sắp xếp được thời gian thì môn học lại không… mở lớp. Đơn cử, xếp hạng tín nhiệm là môn tự chọn của ngành tài chính ngân hàng nên rất ít sinh viên tham gia học, trường cũng mở ít lớp. Để đủ sĩ số mở lớp, Mai Chi phải nghĩ cách vận động các sinh viên khác đăng ký học cùng với mình. Ngược lại, môn thống kê và dự báo trong kinh doanh chỉ mở một lần trong năm nên có rất đông sinh viên đăng ký, Mai Chi không “chen” vào được vì lớp đã quá đầy. Những tình huống tưởng chừng đơn giản nhưng nhiều lần khiến cô sinh viên… toát mồ hôi.

Nỗ lực gấp 3 lần

Trước những khó khăn trên, để không bỏ cuộc giữa chừng, Mai Chi nhủ lòng dù vất vả cỡ nào cũng luôn cố gắng gấp 3 lần người khác. Em tâm niệm “thuyền to, sóng lớn”, đã chọn 2 ngành thì việc nỗ lực gấp nhiều lần như vậy cũng là lẽ đương nhiên. Thật ra không riêng ở ĐH, từ thời phổ thông, Mai Chi đều nỗ lực cao như thế và luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đối với em, học giỏi còn là cách để thể hiện tình cảm đối với người mẹ đã tần tảo nuôi mình, nhất là từ khi cha đột ngột qua đời.

Từ kinh nghiệm bản thân, Mai Chi chia sẻ, sinh viên vừa học song ngành vừa muốn rút thời gian ra trường sớm cần nắm được chương trình học của cả hai ngành, xem xét môn nào trùng, môn nào lệch. Bên cạnh đó, cần liên tục theo dõi kế hoạch của trường để biết những môn thường xuyên mở lớp, môn chỉ mở một lần trong năm để sắp xếp trình tự các môn một cách khoa học, tránh bị chới với do chưa kịp trang bị những kiến thức cơ bản đã phải tiếp cận những nội dung nâng cao.

Kết quả học tập của Mai Chi ở hai ngành xem xem nhau, trong khi em lại yêu thích cả hai lĩnh vực nên khá phân vân cho lựa chọn công việc ứng tuyển sắp tới. Tuy nhiên, Mai Chi cho biết sẽ ưu tiên những công việc đến với mình trước, miễn bản thân đủ khả năng.

Được biết, trong thời gian này, em tham gia làm thời vụ (vị trí nhân viên quản lý mặt đất) cho hãng hàng không Vietnam Airlines nhờ vốn tiếng Anh tốt. Tuy chỉ là công việc thời vụ nhưng Mai Chi cũng đã vượt qua hàng trăm ứng viên khác sau nhiều vòng phỏng vấn gắt gao để được chọn vào vị trí này.

Bài, ảnh: Mê Tâm

“Ban đầu em chỉ muốn lấy kịp 2 bằng ĐH trong 4 năm thôi, vì hai ngành thật ra ít liên quan đến nhau, học 4 năm cũng đã là khó. Và em cũng chỉ dự định học các học kỳ chính, nhưng khi thấy nhiều bạn học cả kỳ hè, em cũng muốn thử sức, lúc này cũng chưa nghĩ sẽ được ra trường sớm. Đến đầu năm thứ 3, em thấy tổng chương trình ở cả hai ngành chỉ còn 27 môn, chia ra mỗi học kỳ sẽ từ 13 đến 14 môn, thế là em quyết dồn sức “chiến đấu” luôn”, Mai Chi hóm hỉnh chia sẻ.