Thứ tư, 14/12/2011, 15h12

Học ăn, học gói…

Các cháu Trường MN 25A trong giờ ăn theo phương pháp giáo dục mới

Đổi mới tổ chức bữa ăn cho trẻ trong trường mầm non sẽ giúp các bé rèn luyện kỹ năng sống một cách có hiệu quả hơn.
Giờ học là giờ ăn
Mỗi ngày, khi sắp đến giờ ăn, các cô bảo mẫu ở Trường Mầm non (MN) Công lập 27, quận Bình Thạnh luôn sắp xếp lại bàn ghế, lau chùi sàn nhà sạch sẽ chuẩn bị đón trẻ vào phòng ăn. Tuy nhiên, hôm nhà trường tổ chức chuyên đề “Đổi mới tổ chức bữa ăn cho trẻ”, các cô dọn thêm ba bộ bàn ghế và được trải khăn ngay ngắn để các bé vào vai chính là tự… nấu. Cô Trần Thị Mai Hồng, giáo viên phụ trách chuyên đề, cho biết đây là một bữa ăn trong trường MN với hình thức mới. Được cô giáo hướng dẫn, một nhóm HS lớp lá 2 chăm chú “đọc” thực đơn qua những hình vẽ để chuẩn bị bắt tay vào chế biến bốn món ăn mà các bé lựa chọn. Bé nào cũng rất hào hứng với công việc mình được làm. Các bé gái nhìn nhau cười khúc khích khi được mặc chiếc tạp dề màu hồng có chấm bi và trên đầu còn đội chiếc mũ oai ra phết. Nhìn vào gương chẳng khác gì mấy cô nấu ăn trên ti vi mà bé được xem trong ngày chủ nhật. Rau đã để sẵn trong rổ, các loại gia vị cũng được các cô bảo mẫu hướng dẫn rất cặn kẽ cách sử dụng... Tuy không có ai nhắc nhở nhưng các bé đều rửa tay sạch sẽ trước khi vào bếp thiết kế món ăn. Bài học vệ sinh cơ thể và vệ sinh an toàn thực phẩm đã được trẻ học ngay tại chỗ chứ không cần phải nhắc nhở nhiều. Những lần chạy đi lấy tô, dĩa, khay, muỗng... tuy bận rộn nhưng mấy bé trai cũng vui vẻ vì được tự phục vụ cho mình và các bạn. Ở nhà thấy mẹ và bà xuống bếp nhiều lúc bé muốn làm theo nhưng không được phép. Nhưng ở đây thì vui quá tha hồ mà làm. Nào là cắt trái cây xếp vào dĩa, gọt vỏ rau củ, trộn salad… Có bé tự chủ động thiết kế món ăn cho mình nhưng có bé lại chưa biết làm gì, thấy ai làm thế nào thì làm theo nên có nhiều khi cùng chen chúc nhau vào một chỗ. Khi đó các bạn đã biết nhường nhịn và chờ đến lượt để lấy dụng cụ và thức ăn. Ý thức tự giác và nếp sống văn minh cũng đã hình thành từ những điều đơn giản như thế. Nếu những lần trước bị người lớn thúc ép trong chuyện ăn uống thì hôm nay các bé được tự do lựa chọn những món ăn mình thích. Muốn ăn nhiều lấy nhiều, ăn ít lấy ít, không để thừa thức ăn uổng phí. Một tiết học nhưng lại được no bụng thật là thích thú.
Giờ ăn cũng là… giờ học
Cô Trần Thị Mai Hồng cho biết tiết học nhằm mục đích đổi mới quan điểm về ăn uống và dinh dưỡng, ăn uống phải gắn liền với văn hóa ẩm thực và giáo dục. Theo cô, ăn không chỉ là một nhu cầu thỏa mãn cái đói mà còn đem lại niềm thích thú và cảm giác sảng khoái. Nhất là đối với trẻ em, người lớn cần tránh việc áp đặt và ép trẻ ăn uống theo ý muốn chủ quan của mình. Giáo dục trẻ qua lời nói và hành động. Thông qua ăn uống, rèn cho bé kỹ năng sống, biết lao động tự phục vụ bản thân và tạo thói quen ăn uống lành mạnh, giao tiếp thân thiện khi ăn uống. Có những bữa ăn cho trẻ như thế này nhiều giáo viên và đặc biệt các cô bảo mẫu đã giảm được rất nhiều áp lực công việc trong trường MN. Trong khi trẻ làm việc, các cô có đủ thời gian quan sát, theo dõi và hướng dẫn trẻ thực hiện mọi khâu được tốt hơn.
Tuy nhiên, muốn làm tốt được điều này, về phía nhà trường phải trang bị đầy đủ các loại đồ dùng bán trú từ những cái nhỏ nhất như chén, muỗng, nĩa và những thứ lớn hơn như bàn ghế, tủ kệ, bình đựng nước trái cây… Thực đơn đưa ra cũng không còn đơn điệu như trước mà phải phong phú đa dạng, đặc biệt là phù hợp với khẩu vị của lứa tuổi, đảm bảo chất dinh dưỡng cần thiết. Tổ cấp dưỡng phải đưa ra được những con số và danh mục cụ thể về các loại dụng cụ cần thiết cho số lượng trẻ với quy mô 40 đến 45 trẻ/ lớp. Tuy không trực tiếp điều hành như các bảo mẫu nhưng các cô đứng lớp phải giúp trẻ sử dụng các đồ dùng phù hợp và có ý thức trong việc bảo quản “công cụ lao động”. Ban đầu trẻ chưa quen nên các cô đã hướng dẫn thật tỉ mỉ để các bé biết tự chọn thức ăn theo kiểu búp-phê và hình thành thói quen tự phục vụ cho bản thân. Các tiết học này không thể thay đổi một lúc mà chuyển từ hoạt động chơi qua giờ ăn theo hình thức cuốn chiếu để cho trẻ quen dần từng bước. Ngoài ra giáo viên tìm cách phối hợp với phụ huynh học sinh để hướng dẫn các cháu tự phục vụ tại nhà sau khi đã có kỹ năng thành thạo tự phục vụ mình tại trường.
Bài, ảnh: Hương Thủy