Thứ bảy, 29/5/2010, 10h05

Học chữ trong sương mù

Một năm học có 9 tháng thì đã hơn 6 tháng trường tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) chìm khuất trong sương mù. Nhưng giữa màn sương dày đặc ấy từ những lớp học vẫn vang lên tiếng đọc bài mỗi ngày, vẫn nung nấu những ước mơ cháy bỏng của các tấm gương học sinh hiếu học vượt khó…
Giờ ra chơi bên ngôi trường Tri Lễ 4.
Muốn là cô giáo ở bản
Đó là mơ ước của Sòng Y Mai, cô học trò lớp 4A có vóc người bé như cái kẹo, nhưng lại là một gương học giỏi tiêu biểu của trường Tri Lễ 4. Y Mai từ nhỏ đã phải sống cùng ông bà vì bố mất sớm, mẹ lại đi lấy chồng khác. Gia đình ông bà Mai cũng không phải khá giả, lại có đến 10 nhân khẩu, mỗi ngày ngoài giờ học, Mai phải đi chăn trâu, nhặt củi, hái rau, phụ việc bếp núc.
Chúng tôi gặp Mai khi em đang dắt con trâu mộng ra đồng, trên tay vẫn không quên mang theo tập sách để tranh thủ học bài. Niềm vui lớn nhất đối với Mai là được đến lớp mỗi ngày, để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo ở bản làng quê em. Năm học nào Y Mai cũng nhận được giấy khen - một thành quả đáng nể của cô học trò nhỏ người nhưng đầy ý chí và nghị lực này.
Ngôi trường trong sương mù
Điều khiến chúng tôi càng thán phục hơn là thành tích học tập rất tốt của Y Mai cũng như nhiều học sinh tiêu biểu khác ở trường tiểu học Tri Lễ, dù các em phải ngồi học trong màn sương mù dày đặc gần như cả năm học. Thầy hiệu phó Thọ Bá Sinh cho biết: “Từ tháng 9 đến tháng 3 sương mù nhiều đến nỗi bảng đen, bàn ghế mỗi sáng đều ướt đẫm, thầy trò phải dùng đuốc hơ khô. Ngoài ra để tránh những cơn mưa rừng làm ngập lụt, các thầy giáo và dân bản đã đắp đất cho sân trường cao lên và gia cố bằng cọc gỗ để dãy phòng học có thể trụ vững trong mưa lũ”.
Hi vọng, 20 suất học bổng mà chương trình khuyến học Đèn Đom Đóm của nhãn hàng sữa Cô Gái Hà Lan dành tặng học sinh nơi đây sẽ phần nào giúp các em vượt qua khó khăn. Và qua chương trình truyền hình thực tế Đèn Đom Đóm được phát sóng lúc 8 giờ trên VTV3 ngày 30-5-2010, trường Tri Lễ cũng sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn khi được đưa vào danh sách do cộng đồng bình chọn để xây mới trong năm nay.
Thầy trò cùng vượt khó
Quế Phong là một huyện vùng biên giới giáp Lào với địa hình núi cao hiểm trở trên 1.000m, người dân ở đây chủ yếu là Thái, Mông, Khơ Mú. Hầu hết gia đình các em học sinh ở trường tiểu học Tri Lễ 4 đều rất nghèo, bố mẹ lên nương lên rẫy cả ngày nên các em phải phụ giúp việc nhà, có khi phải địu cả em lên lớp, vừa trông em vừa học bài.
Đặc biệt, vì trường ở vùng núi cao nên phòng Giáo dục chỉ cử toàn thầy giáo đủ sức khỏe lên công tác. Trường có 5 điểm lẻ đều nằm sâu trong các dãy núi, có điểm đi bộ cả buổi đường rừng mới tới nơi. Điện chưa có, sóng điện thoại thì chập chờn. Hàng tuần, các thầy thay nhau về nhà để gùi gạo, thức ăn. Khổ nhất là khi các thầy giáo ở điểm lẻ về điểm chính để họp, giao ban, có khi phải đi từ 2-3 giờ sáng để kịp họp lúc 7 giờ.
Rời Quế Phong, chúng tôi vẫn mãi day dứt với hình ảnh ngôi trường chìm khuất trong màn sương đến tận 9-10 giờ, không có cổng, bàn ghế xập xệ làm bằng gỗ rừng đơn sơ. Nhưng ở đó, có những người thầy trẻ vẫn cần mẫn uốn từng nét chữ, con số cho học sinh, và đặc biệt, có những niềm tin vào tương lai tươi sáng vẫn luôn cháy trong những tinh thần hiếu học vượt khó.
Theo Tiền Phong