Thứ tư, 1/11/2017, 11h16

Học đại học miễn phí có... thích không?

Trên thế giới có những nước "bao" toàn bộ học phí đại học cho sinh viên. Liệu mọi sinh viên đều thoải mái với điều này, họ có bị ràng buộc gì không?

Học đại học miễn phí có... thích không? - Ảnh 1.

Cuộc sống của sinh viên sẽ "dễ thở" hơn nhiều nếu mọi cấp học đều được chính phủ bao cấp, hoặc ít nhất là hỗ trợ một phần - Ảnh: Shutterstock

Dưới đây là chia sẻ của 4 cựu sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau ở châu Âu về cảm nhận của họ khi được hưởng một nền giáo dục miễn phí.

Marie-Catherine Beuth đến từ Pháp

Học đại học miễn phí có... thích không? - Ảnh 2.

* Bạn phải đóng bao nhiêu cho đại học?

- Đại học công lập vẫn còn miễn phí, ngoại trừ một số chi phí khoảng 200 euro (237 USD), trong đó có phí chăm sóc sức khỏe cơ bản.

 
 

* Bạn cảm thấy thế nào khi đóng rất ít?

- Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và biết ơn khi không phải lo nghĩ gì về những khoản nợ khổng lồ đang chờ đón chúng tôi sau khi tốt nghiệp. Chúng tôi có thể tập trung vào việc học, điều quan trọng hơn bất kì chuyện gì khác.

* Bạn có gặp trở ngại gì không?

- Nhiều sinh viên ở Pháp cũng phải làm việc suốt thời đi học để trang trải những thứ cơ bản như ăn uống và tiền trọ, và điều này có thể ảnh hưởng tới thành công hay thời gian học tập của họ so với các sinh viên có cha mẹ lo.

Andrej Guminski đến từ Đức

Học đại học miễn phí có... thích không? - Ảnh 3.

* Bạn phải đóng bao nhiêu cho đại học?

- Tôi đăng ký học từ năm 2009-2015. Suốt thời gian này có một số thay đổi trong các loại phí ở đại học. Tổng chi phí suốt thời gian đó là khoảng 500 euro (592 USD) mỗi học kì (kéo dài 6 tháng). Trước và sau đó thì đại học hầu như là miễn phí.

* Bạn cảm thấy thế nào khi đóng rất ít?

- Tôi có nhiều bạn bè học ở Anh và Mỹ (hầu hết là tại các đại học được xếp hạng cao). Họ đã phải đóng nhiều tiền hơn rất nhiều.

Chúng tôi cũng thảo luận về đề tài này vài lần và thật sự đi đến kết luận rằng có ít hoặc không có sự khác biệt giữa những trường thuộc nhóm Ivy League ở Mỹ hoặc các trường được xếp hạng cao ở Anh với ngôi trường tôi theo học về mặt nội dung được giảng dạy.

Điều này nghĩa là dù đóng tiền ít hơn đáng kể nhưng tôi vẫn được tiếp cận với cùng khối lượng và chất lượng kiến thức suốt những bài học của mình giống như họ. Theo quan điểm của tôi, điều này rõ ràng là khiến tôi rất hài lòng.

* Bạn có gặp trở ngại gì không?

- Tỉ lệ giáo viên/sinh viên nhìn chung cao hơn nhiều ở trường tôi. Trong suốt khóa học của tôi, khối lượng bài tập/dự án ít hơn so với những trường đắt tiền và được xếp hạng cao mà các bạn tôi đã theo học.

Daniel Borup Jakobsen đến từ Đan Mạch

Học đại học miễn phí có... thích không? - Ảnh 4.

* Bạn phải đóng bao nhiêu cho đại học?

- Hoàn toàn miễn phí. Bạn chỉ phải trả tiền cho những cuốn sách mà mình cần.

* Bạn cảm thấy thế nào khi đóng rất ít?

- Mọi người được có cơ hội như nhau để theo đuổi một tấm bằng đại học cho dù họ xuất thân từ gia đình thế nào đi nữa.

Bằng cách loại bỏ việc xem giáo dục là một sự đầu tư kinh tế ở chính bản thân bạn và ở các con mình, thì nhìn chung bạn thấy rằng sự chọn lựa của sinh viên dành cho một chương trình học không nhất thiết phải là thực tế và rõ ràng, mà là do đam mê.

Đây cũng là một trong những lý do vì sao rất thường xảy ra trường hợp các sinh viên bắt đầu với một ngành học, nhưng rồi sau đó lại thay đổi chương trình hoặc chuyển trường trong hai học kì đầu.

* Bạn có gặp trở ngại gì không?

- Với giáo dục miễn phí, trong tiếng Đan Mạch đã xuất hiện thêm từ "evighedsstuderende". Dịch một cách trực tiếp thì từ này nghĩa là "sinh viên vĩnh viễn", nghĩa là nó đề cập tới một người chẳng bao giờ hoàn tất việc học của mình mà cứ liên tục thay đổi chương trình học từ năm này sang năm khác.

Một trở ngại khác có thể có là mọi người không nhất thiết phải chọn một chương trình học dựa trên những cơ hội việc làm trong tương lai của họ.

Samuel Skwarski đến từ Thụy Điển

Học đại học miễn phí có... thích không? - Ảnh 5.

* Bạn phải đóng bao nhiêu cho đại học?

- Những gì bạn phải lo là chi phí dành cho sách vở, nhưng những thứ như JSTOR (thư viện điện tử có tính phí ở một số nội dung) thường được truy cập thông qua đại học và vì thế đã được nhà nước trả.

Ngoài ra nếu học toàn thời gian, bạn sẽ được nhận khoảng 200 USD/tháng từ chính phủ để trang trải cho những chi phí đó.

* Bạn cảm thấy thế nào khi đóng rất ít?

- Được tiếp cận giáo dục miễn phí nghĩa là bạn không cần phải vội vàng lao vào một chương trình cử nhân, tốt nghiệp và bắt đầu làm việc để... trả nợ. Thay vào đó, nếu bạn kiếm được một công việc làm thêm thì bạn có thể thật sự học được vô số khóa học khác nhau suốt nhiều năm để hiểu xem mình thật sự muốn làm gì.

* Bạn có gặp trở ngại gì không?

- Người Thụy Điển tốt nghiệp trễ hơn người Mỹ, khiến cho việc kiếm được công việc, căn hộ, hay chiếc xe đầu tiên và những thứ khác cũng trễ hơn, một phần nào đó dẫn tới việc chúng tôi (những người Thụy Điển học cao) cũng có con muộn hơn.

Tuy nhiên, nhìn chung tôi nghĩ là nó tuyệt vời, và có lẽ đó là lý do vì sao Thụy Điển là một trong những quốc gia được xếp hạng cao về chất lượng cuộc sống và sự hạnh phúc.

Tại Mỹ, học phí bậc đại học không hề rẻ. Tính ra tổng số nợ mà các sinh viên đã và sắp tốt nghiệp ở quốc gia này đang phải gánh là khoảng 1,31 ngàn tỉ USD.

Tại Việt Nam, học phí ở các trường đại học có nhiều mức khác nhau. Hầu hết các trường đều có mức học phí năm sau cao hơn năm trước và tới đây sẽ còn tiếp tục tăng.

LÊ THANH HẢI/TTO