Thứ sáu, 2/3/2012, 15h03

Học… làm người

HS Trường THPT Lê Quý Đôn hào hứng trong phần thi vẽ tranh “Chân dung tuổi 18 và cạm bẫy 9X”

Em sẽ làm gì khi em 18 tuổi? Sẽ là một công dân sống có trách nhiệm với những ước mơ, lý tưởng cao đẹp hay buông thả trong những cạm bẫy của dòng đời? Sẽ được ba mẹ tự hào hay bị xã hội xa lánh?…
Đó là những câu hỏi không dễ trả lời đối với những cô cậu học trò sắp bước vào tuổi 18. Và đó cũng chính là chủ đề được các giáo viên (GV) Trường THPT Lê Quý Đôn lựa chọn để thảo luận cùng học sinh (HS) trong hội thảo chuyên đề “Khi tôi 18”. Mục đích của hội thảo là nhằm mang đến cho các em HS những định hướng về lứa tuổi 18, và là dịp để GV và phụ huynh lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của con em mình.
Học cách làm người tốt
 “Con mệt mỏi quá ba à! Sao cuộc sống của người lớn phức tạp, nhiều khó khăn quá? Sao tuổi 18 không đẹp như những gì người ta thường nói hả ba? Con muốn quay lại từ đầu, con muốn làm lại tất cả, có được không ba?”. “Tại sao con không nghĩ là mình sẽ bước tiếp mà lại quay đầu? Tuổi 18 - đó không phải là tất cả cuộc sống của con…”.
Lời chia sẻ của cô gái với ba mình về những cạm bẫy ở tuổi 18 sau những gì cô đã trải qua khiến cả hội trường im lặng. Cô là một tiểu thư con nhà giàu được nâng niu chiều chuộng, được quyền thực hiện dự định cá nhân sau những tháng ngày sống trong sự bảo bọc của gia đình. Thế nhưng, do ham chơi, đua đòi, cô học trò ngoan ngoãn ngày nào đã trượt dài trong vòng xoáy những cạm bẫy của cuộc đời. Đến lúc nhận ra sự nông nổi của mình, cô đã quyết định “bước chậm lại chứ không buông tay” để sửa chữa những sai lầm.
Chỉ với 4 phút ngắn ngủi nhưng đoạn clip đã khắc họa phần nào hình ảnh của một thanh niên khi bước vào ngưỡng cửa phải chịu trách nhiệm về những suy nghĩ và hành động của mình. Và đây cũng là thông điệp mà hội thảo gửi tới các bạn trẻ sắp bước vào tuổi 18.
Không chỉ được xem những “đứa con tinh thần” mang thương hiệu “made in… HS”, những HS lớp 10, 11, 12 Trường THPT Lê Quý Đôn còn được thể hiện những suy nghĩ của mình qua phần thi vẽ tranh “Chân dung tuổi 18 và cạm bẫy 9X”. Trên các tờ giấy rô-ki trắng tinh khôi, các em đã phác thảo chân dung một người tuổi 18 với những phẩm chất tốt đẹp để bước vào đời. Dưới bàn tay biến hóa của các cô cậu học trò, bức tranh về con người lý tưởng tuổi 18 hiện ra với nhiều sắc thái, diện mạo khác nhau. Đó không hẳn là bức tranh về một người với gương mặt thật đẹp có đầy đủ chi tiết, hình khối trên gương mặt mà chỉ là các nét phác họa với những suy nghĩ, việc làm gắn với quyền lợi và trách nhiệm ngay khi các em vừa tốt nghiệp THPT. Đó là hình ảnh một GV đứng trên bục giảng, một anh lính cầm súng giữ bình yên cho đất nước, cô công nhân miệt mài bên những sản phẩm của mình. Nhưng đó cũng là những con người với các tệ nạn đang ngày ngày diễn ra trong xã hội như đua xe, hút chích ma túy, quan hệ tình dục bừa bãi… dẫn đến những hậu quả khó lường trong một tương lai không xa.
Với những hình ảnh đó, các em đã giúp các bạn khác hiểu rằng: Tuổi 18 có nhiều lựa chọn nên ai cũng có quyền chọn lựa, nhưng hãy lựa chọn đúng đắn để không phải hối hận vì những việc mình làm. Bạn sẽ là ai trong tương lai phụ thuộc vào suy nghĩ của chính bản thân bạn khi bước vào tuổi 18.
Lắng nghe và chia sẻ
Không chỉ được thể hiện suy nghĩ của mình qua những sản phẩm đầu tay, các em HS Trường THPT Lê Quý Đôn còn chia sẻ những tâm tư, khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Em Duy Khoa - HS lớp 11A5 - tâm sự: “Em lớn rồi nhưng ba mẹ rất khó tính, quản lý em rất khắt khe. Nhiều khi em muốn được đi chơi với bạn mà không bị giới hạn về thời gian nhưng khi nói ra lại bị ba mẹ la mắng”. Là một người có kinh nghiệm lâu năm trên bục giảng, đồng thời cũng là một người mẹ nghiêm khắc, cô Nguyễn Thị Hồng Châu - Tổ trưởng bộ môn GDCD - cho rằng chuyện người lớn quản lý những hoạt động của con cái là điều hoàn toàn có cơ sở. “Các em đang ở lứa tuổi phát triển nên chưa nhận thức được hết các vấn đề trong xã hội, kinh nghiệm ứng xử vẫn còn non kém. Nếu không quản lý trong giai đoạn này, các em sẽ dễ sa vào những cạm bẫy, tệ nạn bên ngoài xã hội. Hơn nữa, việc đi chơi thâu đêm suốt sáng sẽ dẫn đến hậu quả là các em không tập trung bài vở, ảnh hưởng tới sức khỏe và việc học tập. Nếu lỡ đi chơi với bạn quá giờ quy định, các em nên gọi điện thông báo về nhà để người lớn yên tâm”, cô Châu chia sẻ.
Cô Châu cũng “bật mí” rằng việc tuân thủ thời gian ba mẹ đưa ra cũng là một trong những yếu tố tạo dựng niềm tin cho người lớn, nếu chấp hành nghiêm túc thì lần sau xin làm việc gì cũng sẽ dễ dàng hơn.
Trước băn khoăn của các em HS là nên chuẩn bị những gì cho hành trang tuổi 18, ThS. tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh - Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng - nhận định: Ở tuổi 18, HS phải đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn tương lai cho mình, phải chịu trách nhiệm về mọi suy nghĩ và hành vi của một công dân.
“Do đó, hành trang các em cần chuẩn bị là kiến thức để lựa chọn một ngành nghề phù hợp với khả năng của mình, là những kỹ năng cần thiết để ứng xử với xã hội. Ngoài ra, các em nên chuẩn bị tâm lý và bản lĩnh vững chắc để đón nhận những cơ hội cũng như thách thức bên ngoài”, cô Linh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Tuổi 18 có nhiều lựa chọn nên ai cũng có quyền chọn lựa, nhưng hãy lựa chọn đúng đắn để không phải hối hận vì những việc mình làm. Bạn sẽ là ai trong tương lai phụ thuộc vào suy nghĩ của chính bản thân bạn khi bước vào tuổi 18.