Thứ tư, 29/2/2012, 11h02

Học lịch sử qua kênh hình

Một tiết học lịch sử thông qua giáo án điện tử của cô Bích Phượng - GV Trường TH Hồng Hà (Q.Bình Thạnh)

Khám phá, sáng tạo, ứng dụng phương tiện giảng dạy hiện đại để tạo ra những tiết học lý thú, hiệu quả. Đó là những tiết dạy lịch sử được chuyển thể từ kênh chữ sang kênh hình mà một số trường đang ứng dụng…
Tiết học sinh động
Đến nay, sau một học kỳ, Trường TH Trần Quang Khải (Q.1) đã triển khai những tiết dạy lịch sử khá “độc”. Từ nội dung bài học trong sách giáo khoa được giáo viên (GV) chuyển thể sang các bài giảng dưới dạng Powerpoint và cả dưới dạng các thước phim hoạt hình, phim tư liệu kết hợp với hình ảnh nhân vật. Tùy nội dung từng bài học, GV sẽ tạo ra những đoạn phim dài 5 phút, 10 phút… ghi vào đĩa CD để trình chiếu lồng ghép trong quá trình giảng dạy.
“Nếu nội dung bài học mang tính chất khái quát, tổng hợp thì chúng tôi vẫn dựa trên kênh chữ là chủ yếu để tóm lược dưới dạng Powerpoint giảng giải cho các em hiểu. Còn nếu như một bài học về nội dung cụ thể thì bài giảng sẽ đưa ra các hình ảnh thật để minh họa. Đơn cử học về chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi sẽ lồng ghép trình chiếu diễn biến chiến dịch diễn ra như thế nào. Ngược lại, những bài học về nhân vật lịch sử thì GV sẽ nói chân dung, quá trình lớn lên, trưởng thành, hoạt động cách mạng… thông qua hình ảnh quang cảnh làng quê của chính nhân vật. Hầu hết những tiết học về nhân vật như thế này, các em được học dưới dạng phim phóng sự, có bối cảnh quê hương giữa quá khứ và hiện tại địa danh ấy phát triển ra sao…”, thầy Nguyễn Ngọc Tùng, GV Trường TH Trần Quang Khải chia sẻ.
Môn lịch sử bậc tiểu học cung cấp kiến thức cơ bản về các thời kỳ, giai đoạn cũng như những nhân vật anh hùng lịch sử. Điều này khiến cho bộ môn khá khô khan và khó đối với trẻ nhỏ. Theo cô Hồ Thị Hồng Trân - tổ trưởng môn lịch sử khối 4, Trường TH Đoàn Thị Điểm (Q.4) - hiện nay tư liệu cung cấp khá ít. Chẳng hạn như sơ đồ diễn biến trận đánh hay hình ảnh các nhân vật lịch sử. Nếu có thì quá nhỏ và mờ. Vì thế, việc tạo ra được những tiết học sinh động có hình ảnh thật, có diễn biến thì sẽ tác động đến trực quan, giúp học sinh nắm bắt bài nhanh, hiểu bài sâu và nhớ lâu. Đây cũng chính là điểm mà Trường TH Trần Quang Khải “đánh mạnh” vào.
Không thua kém trường bạn, cô Dương Thị Bích Phượng - GV Trường TH Hồng Hà (Q.Bình Thạnh) - cũng rất thành công trong việc sáng tạo ra các tiết học mang tính “trình chiếu”. Cô cất công tìm các đoạn phim tư liệu, hình ảnh minh họa đẹp mắt… sau đó vận dụng các kỹ năng, kiến thức về CNTT để soạn thành một giáo án riêng cho trường. Thông qua giáo án này, cô còn kết hợp phương pháp học nhóm khá hiệu quả. Chẳng hạn, khi học về nhân vật Mạc Đĩnh Chi, cô đưa ra câu hỏi gợi mở: “Nhân vật này các con đã bắt gặp ở đâu?”... Lúc này đòi hỏi các nhóm tập trung thảo luận để đưa ra kết quả nhanh nhất, chính xác nhất. Không khí học tập của từng lớp luôn sôi nổi, hào hứng, không còn cảm giác tẻ nhạt như khi chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa, qua đó các em còn phát huy tinh thần đoàn kết một cách hiệu quả.
Ứng dụng làm video clip
Đến nay, việc tạo ra những tiết học lịch sử sinh động, hiệu quả thông qua các thước phim đã được nhiều trường chú trọng. Tuy nhiên để có được những tiết dạy sinh động này đòi hỏi GV phải tìm được nguồn ảnh và tư liệu chính xác, sau đó xem nội dung từng bài để cắt ghép, làm sao vẫn bám sát sách giáo khoa, hình ảnh đưa vào phải lột tả được đầy đủ nội dung bài học.
Công việc làm đĩa CD được Ban giám hiệu Trường TH Trần Quang Khải phối hợp cùng đội ngũ GV tiến hành cách đây vài năm. Những năm đầu chưa có kinh nghiệm, giáo trình chủ yếu vẫn là hình ảnh lồng ghép, chưa có những thước phim tư liệu cụ thể. Tuy nhiên, đến nay trường đã linh động tìm mua các thước phim tư liệu tại các đài truyền hình hay trên thị trường, qua đó chắt lọc, hoàn tất rồi ghi chép vào đĩa CD, tạo thành giáo trình hoàn chỉnh để làm mới những tiết học.
“Thời gian đầu cũng khó khăn, song nếu như đã quyết tâm làm thì sẽ mang lại hiệu quả rất cao cho quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó, việc làm này còn giúp GV sử dụng hiệu quả hơn những trang thiết bị mà trường hiện có như ti vi, máy chiếu Project. Những tiết học có hình ảnh sinh động sẽ giúp HS hứng thú, tiếp thu bài tốt, không còn cảm giác mệt mỏi, chán nản. Thành công là ở đấy”, thầy Lê Công Minh, Hiệu trưởng Trường TH Trần Quang Khải tâm sự.
Từ những bài giảng bằng giáo án điện tử của Trường TH Trần Quang Khải, Trường TH Hồng Hà (Q.Bình Thạnh), Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) đã lưu nhận để làm video clip lịch sử. Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, cho rằng các tư liệu dùng làm video clip cho môn lịch sử sẽ dựa trên những sáng kiến kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy của các trường. Từ những phương pháp giảng dạy hiệu quả này, phòng sẽ chắt lọc, phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố xây dựng riêng những video clip lịch sử. Khi đã hoàn thành thì chương trình có thể làm giáo trình giảng dạy cho thành phố cũng như cả nước”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Sử dụng giáo án điện tử không những giúp tiết học sinh động mà còn là hình thức giúp GV ứng dụng kỹ năng CNTT, đồng thời sử dụng các phương tiện giảng dạy một cách hiệu quả, đúng mục đích hơn”, thầy Lê Công Minh - Hiệu trưởng Trường TH Trần Quang Khải chia sẻ.