Thứ sáu, 11/1/2013, 16h01

Học lịch sử qua “nhân chứng”

Hiểu lịch sử dân tộc để tôn trọng lịch sử, tự hào và phát huy những giá trị truyền thống luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Tuy nhiên, sự kiện lịch sử luôn phong phú, đa dạng, phức tạp, muốn thẩm thấu được cần phải có những hình thức dễ nhớ, dễ hiểu, dễ vận dụng và đặc biệt để lại ấn tượng sâu sắc. Hiện nay có rất nhiều hình thức giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, thông qua nghiên cứu các tài liệu sử học (học trên lớp hoặc tự nghiên cứu), tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, giáo dục chính trị, tham quan bảo tàng… Song, hình thức gặp gỡ các nhân chứng trong lịch sử và qua những câu chuyện chiến đấu của “người trong cuộc” sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Học ở đây không phải là những tài liệu lý luận mang tính hàn lâm, cũng không phải là những hình ảnh minh họa qua các thước phim tư liệu… mà qua nhân chứng lịch sử “người thật, việc thật” đã từng trải nghiệm giúp các em học sinh có niềm tin tuyệt đối vào các sự kiện. Bằng chính ngôn ngữ của nhân vật, bằng cả lối trình bày, sự mô tả, diễn giải nên dễ thuyết phục các em. Nếu như thông qua sách sử cũng chỉ là những tư liệu được sắp xếp lại hệ thống, khoa học, logic và phải qua sự truyền tải ngôn từ của chính nhà viết sử, do đó đôi khi tính khách quan lại không cao. Cách học qua các nhân chứng thì học sinh dễ để lại nhiều ấn tượng, vừa có thể quan sát nhân vật vừa đối chiếu với chính tư liệu lịch sử, điều đó càng dễ dàng tiếp thu và kiến thức được củng cố.
Đặc biệt, qua những buổi giao lưu cùng nhân vật lịch sử, những thắc mắc của học sinh sẽ được giải đáp một cách sinh động giúp các em có thể kiểm nghiệm lại những hiểu biết về lịch sử mà thông qua sách vở khó có thể hiểu hết được. Chẳng hạn trong chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, những bạn trẻ đặt ra các vấn đề như: “Việc tạo ánh sáng trên đường băng trong điều kiện đêm tối như thế nào”, “Cất cánh trong điều kiện chiều dài đường băng không đủ quy định, mất an toàn. Người phi công nghĩ gì?”... Hoặc những câu hỏi như: Động lực nào mà những người lính phi công sẵn sàng dùng máy bay thay cho quả tên lửa thứ 3, chấp nhận hy sinh? Điều đó, vừa giúp học sinh hiểu được sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ đồng thời sự truyền lửa đó sẽ tiếp thêm sức mạnh ý chí, niềm tin, bản lĩnh cho các em…
Do vậy, theo chúng tôi, nhà trường cần phải tăng cường thường xuyên hơn nữa việc tổ chức cho học sinh gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, là cơ hội tốt nhất để các em dễ dàng tiếp nhận và thẩm thấu nhanh hơn về lịch sử dân tộc, nhất là những nhân vật trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… Tái hiện những ký ức hào hùng của dân tộc một cách sinh động, hấp dẫn, khơi dậy tinh thần dân tộc, noi gương sáng theo các nhân vật còn giúp cho học sinh biết phát huy được sự thông minh, sáng tạo. Nhân rộng những mô hình “nhân chứng lịch sử” là cách để truyền lửa hiệu quả cao nhất đến các em học sinh.
Đỗ Huy Phú - Nguyễn Văn Công
(ĐH Nguyễn Huệ)