Thứ bảy, 15/10/2016, 19h53

Học lịch sử qua phần mềm sử Việt

Xuất phát từ tình trạng học sinh không thích học lịch sử, hay nhầm lẫn về sự kiện, con số…, ba học sinh tại Đà Nẵng đã thiết kế ra phần mềm sử Việt để giúp các bạn học lịch sử tốt hơn. Phần mềm trên đạt giải 3 giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2016.

Ba thành viên trong nhóm bàn bạc đưa ra giải pháp tối ưu cho phần mềm

Ba học sinh thiết kế ra phần mềm trên gồm Dương Nguyên Ánh Hằng, Võ Ngọc Đức Thịnh và Huỳnh Trung Đức - học lớp 8/2 Trường THCS Nguyễn Khuyến (Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Chia sẻ về ý tưởng thiết kế phần mềm, Ánh Hằng nói: “Vào các tiết học lịch sử, em và các bạn cảm thấy rất khó tiếp thu vì kiến thức nhàm chán, hay nhầm lẫn các sự kiện, thời kỳ lịch sử… Mặc dù kiến thức lịch sử được trình bày trong sách giáo khoa theo một trình tự thời gian nhưng trình tự này bị che lấp vì quá nhiều chữ. Từ đó em nghĩ mình cần tạo ra một công cụ học tập có thể tóm tắt nội dung lịch sử và trình bày nội dung đó theo trình tự thời gian một cách trực quan”. Khi có ý tưởng, Ánh Hằng trao đổi với hai bạn Đức Thịnh, Trung Đức và được hai bạn ủng hộ, cùng bàn bạc để hoàn thiện đề cương bước đầu. Ý tưởng của nhóm sau đó được nhà trường đánh giá cao và lựa chọn để triển khai.

Sơ đồ tổng quát về phần mềm

Ánh Hằng cho biết, sau khi có đề cương chi tiết, chúng em liền triển khai sưu tầm tư liệu lịch sử, thống kê các sự kiện... Do vào thời điểm thực hiện đề tài, chúng em mới học lớp 7 nên chưa được học hết lịch sử nước nhà. Vì vậy chúng em phải tìm đọc theo hệ thống. Công việc này cũng gặp không ít khó khăn vì nhiều nguồn tư liệu lệch nhau về mốc thời gian sự kiện. Cuối cùng chúng em thống nhất sử dụng kiến thức lịch sử của Việt Nam sử lượcĐại Việt sử ký toàn thư. Đức Thịnh cho biết thêm: “Riêng về hình ảnh minh họa cũng là một vấn đề khó khăn mà chúng em gặp phải, vì chúng em không tự vẽ minh họa được, còn sưu tầm trên mạng thì không xác định được bản quyền… Có nhiều hình ảnh nhóm phải thuê họa sĩ vẽ”.

Thân thế Lý Thường Kiệt hiển thị trong bảng hình ảnh, thời gian

Sưu tầm xong tư liệu, nhóm bắt đầu xây dựng phần mềm biểu diễn theo trục không gian. Và giải pháp được nhóm chọn là sử dụng kỹ thuật làm web cũng như các công nghệ internet phổ biến hiện nay để tạo ra một ứng dụng web. Theo đó, ứng dụng web hiển thị trục thời gian, sắp đặt các thời kỳ, sự kiện, nhân vật lịch sử lên trục thời gian đó. Xây dựng phần mềm dưới hình thức dự án mã nguồn mở. Đức Thịnh cho hay: “Với trục thời gian biểu diễn sự kiện lịch sử từ thời kỳ sơ khai đến hiện đại, mỗi sự kiện chúng em chia làm 3 phần, gồm: phần tóm lược lịch sử, phần sự kiện lịch sử và phần nhân vật lịch sử. Để giúp các bạn dễ nhớ, chúng em ghép hình ảnh đại diện cho từng thời kỳ, sự kiện cùng với tư liệu văn bản mô tả tổng quát nhất. Phần sự kiện được hiển thị danh sách tất cả các sự kiện xảy ra trong thời kỳ. Với phần sự kiện có hình ảnh đại diện và tiêu đề của sự kiện. Với nhân vật lịch sử thì hiển thị danh sách danh nhân thông qua bảng hình ảnh trực quan. Tuy nhiên, do kiến thức lập trình còn hạn chế nên chúng em cũng gặp khó khăn, mất nhiều thời gian cho việc xây dựng phần mềm. Những lúc đó, chúng em phải nhờ đến sự hỗ trợ của thầy giáo hướng dẫn”.

Sau 6 tháng miệt mài làm việc, nhóm đã hoàn thành phần mềm và khá hài lòng với sản phẩm đó. Phần mềm trên hứa hẹn sẽ bổ trợ cho rất nhiều học sinh trong tiết học lịch sử. Nói về dự định sắp tới, Ánh Hằng chia sẻ: “Chúng em kỳ vọng thời gian tới sẽ hoàn thiện phần mềm dưới hình thức dự án mã nguồn mở để đưa vào ứng dụng thực tế”.

Hàn Giang