Thứ tư, 10/10/2012, 14h10

Học ngành kinh doanh quốc tế: Không bao giờ “ế” việc

Học sinh đặt các câu hỏi về ngành nghề tại một buổi tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức 

Việt Nam đang phát triển kinh tế thị trường nên việc gặp gỡ, giao thương với các quốc gia trên thế giới là điều tiên quyết. Vì vậy, khi các bạn trẻ chọn ngành kinh doanh quốc tế để làm hành trang cho tương lai của mình thì cơ hội việc làm luôn mở rộng.
Tuy nhiên, ngành này chỉ dành riêng cho những ai có đầy đủ 4 yếu tố là kiến thức, kỹ năng, niềm đam mê và bản lĩnh chính trị.
Nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên
Ngành kinh doanh quốc tế sẽ cung cấp cho người học các vấn đề tổng quan về thương mại quốc tế, các chính sách kinh tế đối ngoại chủ yếu hiện nay, đặc điểm phát triển kinh tế thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa; đặc biệt là những vấn đề về hội nhập kinh tế, đầu tư quốc tế tại Việt Nam… Ngoài ra, chương trình còn cung cấp cho người học các kiến thức nghiệp vụ cụ thể về các vấn đề chống bán phá giá, thanh toán quốc tế, bảo hiểm ngoại thương, tranh chấp trong thương mại quốc tế, cách thức xâm nhập thị trường nước ngoài…
Thầy Trần Hữu Dũng, Phó trưởng khoa Thương mại và du lịch Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Sinh viên ngành kinh doanh quốc tế sẽ được đào tạo những phân môn cụ thể như: Nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, đàm phán quốc tế, thương mại, dịch vụ kinh doanh quốc tế, vận tải quốc tế, thanh toán quốc tế, quan hệ kinh tế quốc tế…”. Với những kiến thức đa dạng này, khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội xin việc ở nhiều nơi.
“Đây là ngành học có các môn mang tính chất vĩ mô của Nhà nước nên sinh viên có thể làm nhà ngoại giao quốc tế. Bên cạnh đó, các em có thể tham gia vào các ngành kinh doanh quốc tế giống như sinh viên Trường ĐH Ngoại thương bởi các em được đào tạo sâu về vận tải ngoại thương, bảo hiểm ngoại thương… Ngoài ra, còn rất nhiều vị trí khác như làm nhân viên ngân hàng ở khâu thanh toán quốc tế, khai báo hải quan, làm ở các tập đoàn, công ty đa quốc gia…”, PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh, Chủ nhiệm Bộ môn thương mại Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ.
Hiện nay, tại TP.HCM có ít trường đào tạo ngành kinh doanh quốc tế nhưng số lượng thí sinh dự thi lại rất đông. Trường ĐH Hoa Sen đào tạo ngành kinh doanh quốc tế cho bậc CĐ từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do nhận thấy nhu cầu của nhà tuyển dụng cũng như người học rất cao nên năm học này trường tuyển sinh khóa đầu tiên cho bậc ĐH. Mặc dù đây là năm đầu tiên tuyển sinh, trường chỉ tuyển khoảng 150 sinh viên nhưng có hơn 600 hồ sơ đăng ký học.
Trường CĐ Kinh tế TP.HCM là một trong số ít trường CĐ tại TP.HCM đào tạo riêng về ngành này. Thầy Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cho biết kỳ tuyển sinh năm nay trường nhận được hơn 800 bộ hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành kinh doanh quốc tế nhưng chỉ tuyển 100 chỉ tiêu. Điểm xét tuyển vào ngành này là 21 điểm (thí sinh thi theo đề CĐ) và 10,5 điểm (thí sinh thi theo đề ĐH).
Cần rèn thêm nhiều kỹ năng
Mặc dù có thể đảm đương công việc ở nhiều nơi nhưng một số bạn trẻ cho rằng ngành này trong tương lai sẽ khó xin việc. Tại một buổi tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức, em Trần Thị Thu Hà (học sinh Trường THPT Võ Trường Toản) thắc mắc: “Em muốn thi vào ngành kinh doanh quốc tế nhưng đây là một ngành thuộc khối kinh tế, được biết hiện nay số sinh viên học khối ngành này rất đông nên em sợ khi ra trường thừa nhân lực sẽ khó xin việc làm”.
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh khẳng định: “Học ngành kinh doanh quốc tế không bao giờ “ế” việc bởi các em đã học đúng với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Hiện các công ty săn đầu người, công ty quốc tế vẫn khát nhân lực ở ngành này. Ngoài ra, nếu không muốn làm việc ở các công ty, các em có thể tự lập ra công ty cho riêng mình bởi đã nhuần nhuyễn những kiến thức về đầu tư quốc tế, quản trị dự án đầu tư, khai báo hải quan… Những môn học này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, khi tốt nghiệp sinh viên có thể lập nhóm mở các công ty chuyên về dịch vụ hàng hóa xuất nhập khẩu, các đại lý khai thuế hải quan…”.
Mặc dù không gặp khó khăn khi tìm việc, nhưng muốn thăng tiến trong nghề sinh viên cần trang bị cho mình  nhiều yếu tố, đặc biệt là khả năng sử dụng ngoại ngữ. Thầy Nguyễn Phước Hải cho hay: “Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ở tất cả các trường luôn yếu về ngoại ngữ nến rất khó xin việc làm; đối với sinh viên ngành này lại càng khó hơn vì làm việc trong môi trường quốc tế mà yếu ngoại ngữ sẽ bị hạn chế trong giao tiếp”. PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh cho biết thêm: “Một số bộ môn của ngành kinh doanh quốc tế ở các trường như ĐH Ngoại thương, ĐH Hoa Sen được giảng dạy bằng tiếng Anh nên nếu ở phổ thông các em không học tốt ngoại ngữ thì rất khó tiếp thu. Ngoài ra, để thành công trong ngành này các em còn phải có tố chất nhanh nhẹn, hoạt bát, giao tiếp tốt bởi nếu nhút nhát thì khó có khả năng ngoại giao. Hơn nữa, ngành này có yếu tố đặc biệt là đòi hỏi các em phải có tinh thần yêu nước, giữ được bản lĩnh chính trị cao để tránh được mọi cám dỗ, không tiếp tay cho gián điệp kinh tế phá hoại công ty mình”.
Bài, ảnh: Minh Châu