Thứ bảy, 11/2/2017, 21h29

Học nghề dễ lập thân, lập nghiệp

Nghề bếp, làm bánh, pha chế… được nhiều học sinh các trường THPT Tam Bình, THPT Phan Văn Hòa, THPT Trần Đại Nghĩa (Vĩnh Long) quan tâm và sôi nổi đặt câu hỏi, không riêng đối với bậc ĐH-CĐ.

ThS. Trà Thanh Trung (Ban ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM) thông tin những điểm quan trọng tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay

Bên cạnh 3 trường nói trên, trong 2 ngày 10 và 11-2, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Tỉnh đoàn Vĩnh Long tổ chức tiếp tục đến với học sinh các trường THPT Bình Minh, THPT Tân Quới…

Chọn ngành trên cơ sở đam mê

Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) nhận định: Chỉ còn vài tháng, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017 với nhiều thay đổi quan trọng. Nhưng có lẽ, đến thời điểm này, không phải em nào cũng đã nắm, cập nhật đầy đủ thông tin. Chính vì vậy, Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp các trường ĐH-CĐ trên địa bàn TP.HCM tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” nhằm cung cấp cho học sinh những thông tin mới về kỳ thi THPT quốc gia cũng như hướng chọn ngành, chọn trường. Lâu nay, có nhiều quan niệm ĐH là con đường duy nhất, tuy nhiên, tùy điều kiện kinh tế gia đình, năng lực bản thân, các em cân nhắc chọn ngành, bậc học phù hợp, không nhất thiết vào ĐH.

Tại Trường THPT Tam Bình, mối quan tâm của học sinh đổ dồn vào những bậc học ngoài ĐH. Theo thầy Võ Văn Hoàng (Hiệu trưởng nhà trường), điều này cũng là hợp lý vì hằng năm có tới 70% học sinh nhà trường có xu hướng chọn các bậc học nghề, CĐ, TC và chỉ 30% chọn đăng ký xét tuyển ĐH. Năm nay, có tới gần 90% học sinh của trường có nguyện vọng chọn bài thi khoa học xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia.

Em Lê Hoàng Ngân (học lớp 12A1) đặt câu hỏi: “Em có thể học pha chế ở đâu để thuận tiện xin việc trong các nhà hàng, quán cà phê tại địa phương?”. ThS. Phan Bửu Toàn (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn) cho biết, hiện bậc đào tạo TC không mở ngành này nhưng ngành quản trị khách sạn sẽ có môn học về lĩnh vực pha chế. Phần lớn các em đam mê lĩnh vực này đều xuất phát từ học sơ cấp pha chế. Cụ thể, có thể học sâu về pha chế rượu, pha chế các loại nước uống không cồn khác... Chọn lĩnh vực này, người học có thể học sơ cấp hoặc đăng ký ngành khách sạn nhà hàng để sau này có cơ hội làm việc ở các khách sạn lớn, quán cà phê… Tiếp đó, em Trần Thị Thanh Thùy (học lớp 12A3) bày tỏ nguyện vọng được học lĩnh vực kỹ thuật chế biến món ăn. ThS. Phan Bửu Toàn cho hay, để theo đuổi lĩnh vực này, các em có thể học nghề đầu bếp. Trong đó, các em học về bếp Âu phục vụ khách nước ngoài, bếp Á và bếp Việt để phục vụ khách trong nước. Tuy nhiên, ông Toàn cũng lưu ý, so với nhiều địa phương khác, Vĩnh Long chưa phát triển mạnh về du lịch. Do vậy, nếu đam mê và chọn nghề này, người học có thể tìm kiếm, mở rộng cơ hội việc làm sang ở Cần Thơ hoặc những địa phương khác có thế mạnh về du lịch hơn.

Tương tự, tại Trường THPT Phan Văn Hòa, em Nguyễn Vân (học lớp 12C1) cũng đặt câu hỏi: “Trong tương lai, em muốn mở tiệm làm bánh thì cần học gì, có nhất thiết học ĐH không?”. ThS. Phan Bửu Toàn tiếp tục thông tin, đây là một trong những nghề có thể giúp người học lập thân lập nghiệp tốt. Nghề bánh khá đặc biệt, không có trường ĐH hay CĐ nào mở riêng chuyên ngành chỉ để đào tạo nghề làm bánh. Lĩnh vực này thường trực thuộc khối ngành khách sạn nhà hàng. Học sinh quan tâm có thể học trình độ sơ cấp, 3-6 tháng. Hiện nhân viên làm bánh ở các khách sạn 4-5 sao rất thiếu. Khi đã trở thành nhân viên làm bếp, nhất là bếp bánh thì lương khá cao. Bên cạnh đó, người theo đuổi nghề này hiện còn có cơ hội xuất khẩu lao động ra nhiều nước trên thế giới.

Ông Toàn đánh giá, việc học sinh biết lượng sức, lựa chọn những ngành nghề rất nhỏ cho thấy có tín hiệu tốt. Học sinh có thể mơ ước học ĐH-CĐ hay cao học, nhưng phải dựa trên cơ sở đam mê.

Làm sao biết nghề nào phù hợp với bản thân?

Em Trần Thị Bảo Ngọc (học lớp 12 Trường THPT Trần Đại Nghĩa) cùng nhiều học sinh khác bày tỏ băn khoăn: “Thi THPT quốc gia năm nay và xét ĐH có những nét gì mới?”. ThS. Trà Thanh Trung (Ban ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ, một trong những điểm mới đáng chú ý là năm nay, việc đăng ký xét tuyển ĐH sẽ cùng lúc với đăng ký dự thi. Đồng thời thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng một lần sau khi có kết quả thi THPT quốc gia. Khi không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh cần xem xét thông tin về số lượng tuyển bổ sung, điểm xét bổ sung của các trường… để đăng ký. Lưu ý, năm nay điểm xét nguyện vọng bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng 1.

“Những ngày qua, trường có tổ chức hướng nghiệp cho học sinh thông qua nhiều hình thức, nhưng buổi tư vấn này là cơ hội quý báu để các em được gặp trực tiếp đại diện các trường ĐH-CĐ, có thể hỏi cặn kẽ những điều còn thắc mắc, băn khoăn, từ đó có cơ sở lựa chọn ngành nghề tốt nhất”, thầy Võ Văn Hoàng (Hiệu trưởng Trường THPT Tam Bình) chia sẻ.

Học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa hào hứng tham gia trắc nghiệm tại chỗ trong buổi tư vấn

Cũng theo ông Trung, bức tranh xét tuyển ĐH năm 2017 sẽ đa dạng phương thức. Đa phần các trường ĐH-CĐ xét kết quả thi THPT quốc gia, bên cạnh đó, nhiều trường khác cũng xét thêm kết quả học tập THPT. Năm nay điểm sàn ĐH vẫn được quy định, nhiều trường sẽ có thêm phần kiểm tra, đánh giá năng lực. “Phương thức mở rộng, có thể một ngành được xét tới 3 phương thức, trong cùng lượng chỉ tiêu đó. Do vậy, học sinh cần bình tĩnh cân nhắc, tìm hiểu kỹ để đăng ký”, ông Trung lưu ý.

Giải đáp băn khoăn của em Lê Thị Mỹ Quyên (học lớp 12/6 Trường THPT Phan Văn Hòa) về việc chưa được tiếp xúc với nghề làm sao để biết nghề đó có phù hợp bản thân không?, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) cho rằng, để chọn đúng và biết ngành nghề có tương hợp hay không, các em cần khám phá, nhận diện bản thân thông qua các cách: làm trắc nghiệm trên trang web của ĐH Quốc gia TP.HCM hoặc những trang tin cậy khác. Ngoài ra, các em cần tham khảo, hỏi ý kiến người thân, cha mẹ hoặc trải nghiệm thực tiễn, xem xét chú ý những công việc nào mình làm tốt nhất từ trước đến nay.

Bài, ảnh: Thục Trân