Thứ năm, 30/11/2017, 22h38

Học nhiều hơn từ gameshow

Thay vì trải qua hai tiết học trên lớp, học sinh khối 7 Trường THCS Dương Bá Trạc (Q.8, TP.HCM) lại được học trên sân trường qua gameshow cực kỳ hào hứng.

Các thành viên trong đội bàn bạc vị trí đặt gương thích hợp để đọc chữ bị chỉnh nhầm hiệu ứng

Được chuyển thể từ một chương trình truyền hình thực tế, gameshow Cuộc đua kỳ thú phiên bản Dương Bá Trạc không chỉ giúp học sinh khắc sâu kiến thức môn vật lý mà còn mang đến cho các em những trải nghiệm thú vị về kiến thức các môn ngữ văn, giáo dục công dân và luật an toàn giao thông.

Tiết học với nhiều ứng dụng hay

Để thực hiện gameshow này, các học sinh lớp 7/2 được chia làm 4 đội lần lượt thực hiện 4 nhiệm vụ trong thời gian hai tiết học, đội nào hoàn thành nhiệm vụ nhanh và chính xác nhất sẽ là đội thắng cuộc. Ở nhiệm vụ đầu tiên, các em được giao nhiệm vụ viết lại câu tục ngữ bị chỉnh nhầm hiệu ứng bằng một chiếc gương tự tạo. Để làm được nhiệm vụ này, ngoài việc làm đúng quy trình tạo gương, các em còn phải xác định được mặt phản xạ và không phản xạ mới đọc được câu tục ngữ. Những dòng chữ lộn xộn như nhảy múa trước mặt người xem, nhưng bằng sự tính toán kỹ càng, các đội lần lượt hoàn thành nhiệm vụ với các câu tục ngữ như “Không thầy đố mày làm nên”, “Học thầy không tày học bạn”...

Nếu như nhiệm vụ thứ nhất được các đội thực hiện khá thuận lợi thì sang nhiệm vụ thứ hai, thứ ba có vẻ “khó nhằn” hơn vì phải sử dụng ít nhất hai chiếc gương ở những vị trí thích hợp. Cụ thể, ở nhiệm vụ thứ hai, một số đội phải loay hoay khá lâu vì không thể chiếu tia laser đến đúng điểm quy định để hoàn thành phiếu học tập. Tương tự, nhiệm vụ thứ ba cũng mất nhiều thời gian khi có đội không thể đặt đúng vị trí gương vào kính tiềm vọng, không tính đúng góc hợp bởi tia tới và tia phản xạ. Tuy nhiên, khi giải quyết xong những khó khăn này, các em lại có thêm các kỹ năng tính toán về việc lắp đặt gương, đồng thời biết thêm về cách hoàn thành mô hình kính tiềm vọng để thấy được vật cần quan sát.

Thành viên đội khác cúi người canh, chỉnh gương sao cho thích hợp để chiếu tia laser đến đúng điểm quy định

Không chỉ hoàn thành phiếu học tập, các đội còn chụp hình, ghi lại kết quả thực hiện rồi đăng lên facebook để giáo viên bình chọn. Đội nào thực hiện nhanh nhất, chính xác nhất sẽ giành được phần thưởng từ các giáo viên bình chọn.

Sẽ tiếp tục triển khai

Cô Phạm Thị Hồng Cẩm (người tổ chức thực hiện gameshow) cho biết tất cả các nhiệm vụ được thực hiện trong tiết học đều là kiến thức về quang học nằm trong chương Ánh sáng của môn vật lý lớp 7 mà cụ thể là các bài học về gương phẳng, gương cầu lồi, cầu lõm. Thay vì trải qua hai tiết ôn tập về phần này, tổ vật lý đã đề xuất thực hiện dưới dạng tiết học ngoài trời để tạo hứng thú cho học sinh. Các nhiệm vụ được giao đều tích hợp kiến thức của các môn như ngữ văn, giáo dục công dân và toán. Ở nhiệm vụ cuối cùng, các em còn biết thêm kiến thức về an toàn giao thông khi xác định được các loại biển báo hoặc câu khẩu hiệu về văn hoá giao thông. “Sau khi thực hiện các nhiệm vụ của tiết học trò chơi này, các em sẽ hiểu được quy trình sản xuất gương, biết kính tiềm vọng được sử dụng như thế nào... Sau gameshow này, chúng tôi sẽ nghiên cứu tìm những kiến thức vật lý phù hợp để xây dựng tiết học trải nghiệm ngoài phòng học, qua đó giúp các em hứng thú hơn với bộ môn và biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống”, cô Hồng Cẩm chia sẻ.

Thầy Trần Thanh Tùng (Chuyên viên bộ môn vật lý, Phòng GD-ĐT Q.8) cho biết các trường THCS trên địa bàn quận sẽ thực hiện tiết học ngoài trời cho tất cả các khối trong năm học này. Tùy vào điều kiện của đơn vị, các trường chủ động xây dựng nội dung thực hiện những chủ đề được phòng GD-ĐT triển khai. Cụ thể, khối 6 chủ đề là “Đo lường các đại lượng môn vật lý”, khối 7 chủ đề là “Gương”, khối 8 chủ đề là “Cấu tạo chất, sự chuyển biến nhiệt” và khối 9 chủ đề là “Định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng”.

Ngọc Anh