Chủ nhật, 26/5/2013, 21h05

Học ở “rạp chiếu phim 3D”

Thầy Tô Huỳnh Thiên Trọng và các em học sinh lớp 6/5 tại phòng học 3D

Không phải hí hoáy ghi ghi chép chép, cũng không cần căng mắt, căng tai để “nuốt” từng lời của thầy, chỉ cần đeo kính và nhìn lên bảng… Vậy là các em đã hiểu bài. Đó là phòng học 3D tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) - trường đầu tiên trong cả nước ứng dụng phần mềm 3D vào giảng dạy các môn lý, hóa, địa, sinh và công nghệ.
“Wow! Con virus HIV…”
Hôm nay, các em học sinh lớp 6/5 học môn sinh ở phòng học 3D. Trong lúc xếp hàng để vào phòng học, nhiều em không khỏi tò mò về tiết học đầu tiên với công nghệ 3D…
Bước vào phòng học 3D, mỗi em được phát một cái kính. “Cứ như đi xem phim ở rạp chiếu phim 3D vậy”, một học sinh thốt lên.
“Bây giờ, chúng ta sẽ học về các dạng vi khuẩn, virus”, vừa nói, thầy Tô Huỳnh Thiên Trọng vừa “lôi” con vi khuẩn HP (thủ phạm gây bệnh viêm loét dạ dày) lên màn hình (bảng tương tác ActivBoard). Bên dưới, những tiếng “ồ, à” của các em học sinh bắt đầu vang lên. Nhiều học sinh tỏ ra thích thú xen lẫn kinh ngạc. Đặc biệt là khi con vi khuẩn này bị tách ra từng lớp, lớp trong cùng là lớp nhân (duy trì sự sống của nó). Lâu nay, các em chỉ biết đến con vi khuẩn HP trên giấy, chỉ nhìn thấy mặt phẳng của nó nhưng hôm nay nhờ công nghệ 3D, các em đã không còn cái cảm giác mơ hồ về con vi khuẩn này nữa.
“Các em có biết về hiện tượng kháng thuốc không?”, thầy Thiên Trọng đặt câu hỏi và đưa ra một minh họa về vi khuẩn kháng thuốc. Theo đó, hiện ra trước mắt các em học sinh là hình ảnh một cơ thể người trong suốt cầm viên thuốc kháng sinh bỏ vào miệng và viên thuốc từ từ chạy vào dạ dày. Trong dạ dày, viên thuốc kháng sinh tan ra và thấm vào động mạch. Trong động mạch có những tế bào máu cùng nhiều vi khuẩn gây bệnh. Kháng sinh bao vây diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, không phải vi khuẩn nào cũng bị thuốc kháng sinh diệt. Có một số vi khuẩn đã thay đổi cấu trúc, chúng biến thành những vi khuẩn kháng thuốc lan khắp cơ thể. Thuốc kháng sinh bám vào là chúng lấy vòi đẩy ra…
Thú vị hơn cả có lẽ là hình ảnh con virus HIV. Qua những tiết dạy của thầy cô trên lớp, qua các phương tiện thông tin đại chúng, các em học sinh đã phần nào biết về con virus chết người này. Nhưng hôm nay được tận mắt nhìn thấy nó, các em không khỏi rùng mình bởi nó thật sự gớm ghiếc với những chiếc gai nhọn tua tủa xung quanh. “Wow. Thì ra con virus HIV đáng sợ như vậy”, các em học sinh không giấu nổi cảm xúc đã thốt lên. Không khí học tập trong lớp sôi động hẳn lên, những câu hỏi, những câu trả lời được cả thầy lẫn trò thi nhau đặt ra. Nhờ có công nghệ 3D, những cô cậu học trò lớp 6 đã hiểu được vì sao con virus HIV lại khó tiêu diệt đến như vậy.
15 phút nhanh chóng trôi qua và đọng lại trong đầu các em học sinh là hình ảnh sống động về các loại vi khuẩn, virus. Qua đó, các em biết chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như cho những người thân xung quanh mình…
Thầy giáo thời @
Tại Trường THPT Lương Thế Vinh, thầy Thiên Trọng không phải là giáo viên duy nhất biết sử dụng thành thạo công nghệ 3D trong giảng dạy. Mà: “90% giáo viên biết thao tác thuần thục bảng ActivBoard, biết ứng dụng công nghệ 3D trong giảng dạy. Bởi, đa số giáo viên trong trường là giáo viên trẻ, ham học hỏi, có kiến thức về công nghệ thông tin”, cô Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Nhiều học sinh trong trường thường kháo nhau rằng, thầy, cô giáo thời @ thì phải biết ứng dụng công nghệ cao vào giảng dạy.
Đúng vậy. Ngoài thầy Thiên Trọng (giáo viên môn sinh), còn có cô Chu Thị Hồng Anh (giáo viên môn địa lý), cô Nguyễn Thị Phương Hạnh (giáo viên môn sinh)… giảng bài bằng công nghệ 3D. Cô Phương Hạnh cho biết, cô và các thầy, cô giáo trong trường chỉ mất 1-2 ngày để làm quen với phần mềm dạy học ứng dụng công nghệ 3D. Vì từ nhiều năm nay, các thầy, cô đã thuần thục trong việc sử dụng bảng tương tác, soạn giáo án điện tử...
“Trong một tiết dạy, phần nào cần công nghệ 3D hỗ trợ thì đưa học sinh lên phòng học 3D. Chẳng hạn như học về quả tim, bình thường học sinh chỉ nhìn được mặt phẳng của nó nhưng với công nghệ 3D, các em có cảm giác như sờ được vào quả tim vậy. Không chỉ các em thích thú mà ngay cả giáo viên cũng hứng khởi”, cô Phương Hạnh nhấn mạnh.
Giờ học môn sinh vật về cấu tạo tim và mạch máu (chương trình lớp 8), với phần mềm 3D - hình ảnh tách lớp quả tim bốn ngăn cùng hình ảnh sống động tĩnh mạch, động mạch và sự lưu thông của máu đã khiến bài học trở nên sinh động, tạo hứng khởi cho các em. Các em còn được tận mắt nhìn thấy hình ảnh cholesterol bám vào thành mạch máu và gây nên bệnh xơ vữa động mạch.
Có thể nói, nhờ công nghệ 3D mà những môn sinh, địa, công nghệ, lý, hóa vốn khô khan và có phần “khó nuốt” đối với đại bộ phận học sinh đã trở nên thật dễ hiểu, thật gần gũi. Môn địa lý nhàm chán là vậy, vào giờ học chỉ muốn ngủ gục, nhưng với phần mềm 3D nó đã trở nên thật sự thú vị, cái cảm giác buồn ngủ thường ngày bỗng dưng biến mất. Điển hình như tiết học về cấu tạo bên trong trái đất (chương trình lớp 6), công nghệ 3D đã bóc tách ba lớp cấu tạo trái đất từ ngoài vào trong. Hay như tiết học về vòng tuần hoàn của nước. Nếu chỉ nói lý thuyết suông - nước bốc hơi thành mây, những hạt nước lớn rơi xuống tạo thành mưa. Nước mưa chảy xuống ao, hồ, sông, biển, thấm xuống mặt đất... thì học sinh sẽ rất mơ hồ, cứ như “vịt nghe sấm” nhưng khi vào phòng học 3D thì thầy, cô giáo không cần phải nói nhiều, học sinh chỉ cần nhìn lên bảng là hiểu ngay…
Cô Bùi Minh Tâm chia sẻ: “Ở từng tiết học, giáo viên xây dựng bài giảng tương thích với thiết bị. Trong đó dành khoảng 15 phút để học sinh xem những hình ảnh, clip mô phỏng được trích ra từ phần mềm thư viện tài nguyên 3D-Cyber Antonomy. Trước đó, các em đã được thầy, cô giáo dạy lý thuyết trên lớp…”.
Hiện tại, bằng nguồn kinh phí của nhà trường cũng như sự đóng góp của phụ huynh, Trường THPT Lương Thế Vinh mới trang bị được một phòng học 3D. Dự kiến năm học 2013-2014, trường sẽ có thêm một phòng học 3D nữa để đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên cũng như học sinh…
Bài, ảnh: hòa triều
Người khởi xướng đưa công nghệ 3D vào giảng dạy tại Trường THPT Lương Thế Vinh là thầy Kim Vĩnh Phúc - nguyên Hiệu trưởng nhà trường. Thầy Phúc khẳng định: “Sự hứng khởi và tiếp thu tốt bài giảng của học sinh đã chứng minh sự thành công của phương pháp dạy và học mới này. Công nghệ 3D không chỉ tác động tích cực đến học sinh như tạo hứng khởi, đam mê học tập, tìm tòi, sáng tạo nhiều hơn mà còn thôi thúc người thầy chủ động đổi mới cách làm việc, rèn kỹ năng sử dụng phương pháp mới để bài giảng sinh động hơn. Từ đó đạt được kết quả tốt trong việc dạy và học của nhà trường…”.