Thứ ba, 13/3/2018, 23h02

Học sinh cần được học kỹ năng chống xâm hại

Hc sinh đưc hc v k năng phòng v trong tình hung b xâm hi

Vừa qua, đông đảo học sinh Trường Phổ thông Quốc tế TIS (Q.Phú Nhuận) đã có buổi trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý trong chuyên đề “Kỹ năng phòng chống xâm hại”. ThS. Mai Mỹ Hạnh (Phó Trưởng bộ môn tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết thực tế cha mẹ và thầy cô không thể bên cạnh con trẻ 24/24, nên việc cung cấp cho các em những kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình là điều hết sức cần thiết. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh hiện nay vẫn còn khá ngại ngùng, thậm chí la mắng mỗi khi con cái tìm hiểu về giới tính, dẫn đến việc con trở nên rụt rè khi đề cập đến vấn đề liên quan. Thêm vào đó, những giáo viên trên lớp cũng không đủ chuyên môn trong lĩnh vực này, cộng thêm những áp lực về giáo dục văn hóa nên việc trang bị những kiến thức về giáo dục giới tính có hệ thống thì hầu như chưa có nơi nào thực hiện một cách bài bản và triệt để. “Chính sự chủ quan của trường học và sự sợ hãi của gia đình đang đẩy các em, đặc biệt là các em gái, vào một tình thế nguy hiểm. Đó là, hoặc phải tự tìm hiểu lén lút với sự cảm nhận của riêng mình mà đa số trong đó đều bị ảnh hưởng bởi phim ảnh và thiếu tính thực tế, hoặc là phải trực tiếp trả giá cho những sai lầm to lớn khi thiếu kiến thức về giới tính cần thiết. Hậu quả là chúng ta đang tạo ra một loạt các vấn đề nhức nhối như xâm hại, cưỡng hiếp, ấu dâm mà toàn xã hội đang lo lắng cực độ, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, nhiều học sinh đã mạnh dạn đặt ra những câu hỏi như: Khi bị xâm hại nên làm gì? Làm thế nào để bảo vệ bản thân trước những mối nguy hiểm?... Bà Hạnh chia sẻ: “Ở nhà cũng như ở trường, cha mẹ và thầy cô cần tránh tâm lý chủ quan và thái độ sợ hãi trước những chủ đề nhạy cảm. Thay vào đó cần phải ngay lập tức hành động. Ví dụ như cha mẹ nói chuyện với con nhiều hơn, để kịp thời nắm bắt tâm lý và định hướng. Tạo điều kiện cho con tiếp cận với những khóa học về kỹ năng phòng chống xâm hại để trẻ có thể tự bảo vệ mình”.

Thương Thương