Thứ tư, 2/10/2013, 10h10

Học sinh chán học văn: Lỗi do ai?

Cần đổi mới cách kiểm tra, đánh giá

Một tiết học môn ngữ văn của học sinh THCS. Ảnh: A.Khôi
Bên cạnh những thầy cô giáo thật sự tâm huyết với nghề, mong muốn đem lại cho học sinh (HS) kiến thức mà mình tâm đắc thì vẫn còn giáo viên (GV) có tâm lí chán nản, không có động lực trau dồi chuyên môn, tạo sức ỳ trong tư duy đổi mới, cải tiến phương pháp giảng dạy...
Lỗi do đâu?
Mặc dầu GV đã có ý thức đổi mới phương pháp dạy học văn nhưng việc thực hiện chỉ mới mang tính chất hình thức, thử nghiệm chứ chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Một số thầy cô giáo vẫn còn thói quen dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều: GV giảng giải, HS lắng nghe, ghi nhớ và nhắc lại đúng những điều đã được truyền đạt. GV còn chủ động cung cấp kiến thức cho HS, áp đặt những kinh nghiệm, hiểu biết, cách cảm, cách nghĩ của mình tới các em. Nhiều GV chưa chú trọng đến việc tiếp thu, vận dụng kiến thức của HS cũng như việc chỉ ra cho các em hướng tích cực chủ động để thu nhận kiến thức. Do đó, có những giờ dạy vì ham nói nên được GV tiến hành như một giờ diễn thuyết. Điều này cũng do một phần GV sợ “cháy” giáo án, vì GV hỏi nhưng HS không trả lời được hoặc phát biểu chưa ra vấn đề nên GV vội vàng làm thay.
Về phía HS, tồn tại lớn nhất là thói quen thụ động, quen nghe, quen chép, ghi nhớ và tái hiện một cách máy móc, rập khuôn những gì GV đã giảng. Đa phần HS chưa có thói quen chủ động tìm hiểu, khám phá bài học, lười suy nghĩ. Chỉ biết diễn đạt bằng những ý vay mượn, bằng những lời có sẵn, lẽ ra phải làm chủ tri thức thì lại trở thành “nô lệ” của sách vở. HS chưa có hào hứng và chưa quen bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm của mình trước tập thể, cho nên khi phải nói và viết, các em cảm thấy khá khó khăn. Hiện nay HS rất lười, bài không soạn. Khi GV hỏi, có em thản nhiên trả lời: “Để quên ở nhà”, thầy cô giáo bảo cho về lấy thì các em có hàng trăm lý do (ở xa trường, không có người ở nhà...). Có em soạn bài với tính chất đối phó bằng cách chép từ các sách “Học tốt môn văn” nhưng khi hỏi thì không hiểu gì. Vở ghi chép lung tung, có bài ghi một phần rất nhỏ xong để đấy, đa số ghi chữ được chữ chăng. Không chú ý nghe giảng, thích cười đùa nói chuyện, làm việc riêng, ý thức học tập rất yếu.
Có thể nói, thói quen học tập thụ động, đối phó của HS là một rào cản lớn đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy học.
Các em thiếu nhiều kiến thức ngữ văn, rất ít em đọc sách để thấy được cái hay, cái đẹp của văn chương, biết rung động trước những tác phẩm văn học hay. Do vậy khi làm bài, các em thường suy luận chủ quan, thô tục hóa văn chương. Ngoài những lỗi trên, thực trạng HS làm bài sai kiến thức cơ bản vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Đó là tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, viết sai tên tác giả, tác phẩm, nhầm tác phẩm của nhà văn này với nhà văn khác…
Đáng buồn hơn, phụ huynh cũng không tha thiết với việc học văn của con em mình. Họ sẵn sàng đầu tư vào các môn toán, lý, hóa, Anh văn…, nhưng với môn văn lại dửng dưng. Con thi HS giỏi văn cũng không cho, ngay cả cho vào đội tuyển HS giỏi cũng không muốn… Chương trình, nội dung dạy với nhiều bài không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, xa lạ với HS gây khó hiểu.
“Chấp nhận” sự đổi mới để tồn tại
GV phải có ý thức từng bước chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thụ kiến thức một chiều sang phương pháp dạy học mới, trong đó HS dưới sự tổ chức, gợi mở, dẫn dắt của GV tự mình chiếm lĩnh bài văn, tự rút ra những kết luận, những bài học cần thiết cho mình với sự chủ động tối đa. Có như vậy, HS mới thấy hứng thú và cảm thấy mình cũng là người “đồng sáng tạo” với tác giả. GV vận dụng nhiều phương pháp dạy học vào giảng dạy môn văn, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Nên vận dụng tối đa phương pháp dạy học tích cực, kiên trì dùng cách dạy hoạt động để dần xây dựng cho HS phương pháp học tập chủ động một cách vừa sức, từ thấp lên cao. Trong đổi mới phương pháp dạy học phải có sự hợp tác của cả thầy và trò, sự phối hợp nhịp nhàng hoạt động dạy với hoạt động học thì mới thành công. Giảm tải chương trình, thay đổi một số tác phẩm văn học, sắp xếp các phần sao cho phù hợp với trình độ HS. Ví dụ: Khối lớp 6, 7 học văn miêu tả, tự sự; khối lớp 8, 9 học văn thuyết minh, nghị luận...
Đề kiểm tra phải kết hợp hài hòa giữa những gì HS được học và những gì là sáng tạo riêng của người học; cần có cả hai loại là đề nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Nội dung đề cần cải tiến theo hướng phát huy tính tư duy, óc sáng tạo của người học, tránh lối học vẹt, học thuộc lòng… Đối với môn tập làm văn, tốt nhất nên ra đề theo hướng “mở”, nhưng “mở” như thế nào để phù hợp với trình độ, đối tượng HS ở tất cả các vùng miền. Có như thế HS mới có cơ hội bộc lộ những ý kiến, cảm xúc, suy tư rất cá nhân của mình. Và do đó bài viết của các em không bị lệ thuộc, bắt chước hay ám ảnh bởi các bài văn mẫu đang tràn lan trên thị trường hiện nay… Đồng thời HS có ý thức hơn trong việc tiếp thu bài một cách tích cực, và ý thức hơn trong việc nhìn nhận, tìm hiểu về cuộc sống thiên nhiên và cuộc sống con người của chúng ta ngày nay.
Đối với kiểu đề là câu hỏi tự luận nên ra những câu hỏi ở dạng tư duy thấp hoặc cao. Trên cơ sở HS đã nhận biết, thông hiểu qua phần đọc - hiểu văn bản, bấy giờ các em có thể nêu lên những cảm nhận, suy nghĩ, cảm xúc… của mình. Từ đó GV mới đánh giá được sự tiếp thu của HS ở mức độ nào...
Trên đây là một vài ý kiến  của chúng tôi về thực trạng  dạy - học môn ngữ văn ở trường phổ thông và đề xuất giải pháp đổi mới dạy - học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy - học môn ngữ văn ở trường phổ thông.
P.N.Q (ghi)
Trần Thăng Long (GV Trường THPT Marie Curie, TP.HCM)
Đối với kiểu đề trắc nghiệm khách quan cần đảm bảo một cách khoa học về số lượng câu hỏi, trên cơ sở thời gian dành cho việc kiểm tra, đảm bảo về độ khó vừa phải để HS chăm chỉ học tập có thể đạt điểm khá trở lên và có câu phân hóa để phân loại được HS khá, giỏi.