Thứ năm, 3/10/2013, 20h10

Học sinh chán học văn: Lỗi do ai?

Sách tham khảo chưa có định hướng
Có đi dạy mới biết nhiều học sinh (HS) hiện không hứng thú, thậm chí chán học bộ môn ngữ văn. Thực tế đáng buồn này xảy ra từ nhiều năm nay làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người đứng lớp. Trong một bài kiểm tra, để trả lời cho câu hỏi: “Nhận thức của em về bộ môn ngữ văn trong nhà trường?”, có HS “thật thà” viết: “Em không thích bộ môn này vì thấy học cũng chẳng để làm gì (?), trong khi các môn tự nhiên như toán, lý, hóa rất thực tế sau khi ra trường còn giúp em có công ăn việc làm. Em có thể không hiểu một bài thơ một truyện ngắn cũng chẳng sao nhưng nếu không biết tính toán cộng trừ nhân chia thì em sẽ không có việc làm”. Chính vì không nhận thức được vai trò quan trọng của môn văn nên có em còn “hồn nhiên” viết: “Tại sao Tú Xương không ví vợ mình như con trâu, con bò, con hổ mà lại ví như con cò? Đơn giản là vì con cò hiền lành, dễ thương và đẹp nữa!!!”. HS làm bài như thế chắc chẳng ai dám nhận mình là giáo viên của em đó. HS chán học văn có nhiều nguyên nhân - “tại anh, tại ả tại cả đôi bên”. Một câu hỏi cần một lời đáp nhưng không phải của riêng ai.
Là người trực tiếp đứng lớp vài chục năm nay nên tôi đã chứng kiến những thăng trầm biến thiên của môn văn qua các thời kỳ thịnh suy của nó và xin được góp thêm vài ý kiến. Trước hết, chương trình dù giảm tải nhưng nói chung vẫn còn nặng như một số người than vãn. Phân phối chương trình lại không hợp lý về cấu trúc và thời lượng, chưa phù hợp với nội dung giảng dạy theo yêu cầu bậc học.
Sách tham khảo quá nhiều và tràn lan nhưng chất lượng thiếu chọn lọc. Do thời buổi kinh tế thị trường chi phối nên sách nào cũng nghiêng về “chăm sóc” văn mẫu. Họ biên soạn với mục đích không phải hướng dẫn các em HS làm bài tốt mà để bán “chạy” hơn. Hiện nay sách tham khảo do  những người có trình độ yếu và kinh nghiệm còn thiếu biên soạn, chỉ giỏi về kinh doanh nên chất lượng thấp, thiếu định hướng. Trong khi đó, người có cảm thụ văn chương thì không làm ra sách bán được nên không có cơ hội đến với HS.
Một thực tế đáng buồn nữa mà ai cũng thấy đó là bộ môn văn chưa được nhận thức đúng với vai trò và tầm quan trọng của nó đối với việc rèn luyện nhân cách, tâm hồn người học. Hệ quả tất yếu là dẫn đến việc dạy và học vẫn còn mang nặng tính hình thức, hời hợt và nhàm chán.
Nói như thế không có nghĩa là giáo viên dạy văn không có phần trách nhiệm trong đó. Lao động của người dạy văn không chỉ mang tính sư phạm mà còn mang tính nghệ thuật. Đổi mới phương pháp dạy học trước hết làm sao đừng để các em chán học văn. Trách nhiệm này phụ thuộc vào những kỹ năng thiên bẩm và phương pháp tự điều chỉnh cách dạy của người thầy.
Phạm Thị Hồng Phi (Trưởng bộ môn ngữ văn Trung tâm GDTX Q.1, TP.HCM)