Thứ năm, 20/8/2009, 14h08

Học sinh chưa muốn đi học

Mặc dù đã đến ngày đi học nhưng có không ít học sinh vẫn chưa chuẩn bị cho mình tinh thần. Ngoài lý do kinh tế và ham chơi, các em còn bị một nguyên nhân nữa từ các bậc cha mẹ là lo sợ con em mình bị “dính” cúm A/H1N1.
Nguyên nhân
Chị Nguyễn Thu Hằng (phường 26, quận Bình Thạnh) nói: “Tôi lo sợ cháu ở thành phố thường xuyên đi đến chỗ đông người dễ mắc cúm A/H1N1 nên đã chủ động đưa cháu về đi nghỉ hè. Bây giờ đến ngày tựu trường nhưng cháu chưa chịu đi vì lý do “con chơi chưa đã””. Cũng theo chị Hằng, sở dĩ “con chơi chưa đã” vì kỳ nghỉ hè của cháu chỉ vỏn vẹn trong một tuần lễ. Trước đó, cháu phải đi học thêm các môn cả ngày lẫn đêm.
Ảnh minh họa. Ảnh: Tuy An
Cùng chung tâm trạng với chị Hằng, anh Nguyễn Xuân Dũng (Bình Trị Đông, Bình Tân) lo lắng: “Mọi năm, đến ngày đi học hai cháu nhà tôi háo hức lắm nhưng nay không hiểu sao cả hai chẳng chịu đi học, thậm chí phải năn nỉ các cháu mới chịu”.
Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn cũng là một lý do khiến các em không ham muốn đến trường. Như trường hợp gia đình cô Bảy Hường (đường Xóm Chiếu, quận 4) là một ví dụ. Cô Bảy Hường có hai con trai, đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ học lớp 5. Theo cô Bảy Hường, ngày đi học, tụi nhỏ không chịu đi chỉ vì: “Năm học mới mà mẹ không chịu mua cặp táp mới”, hay như đứa lớn con của chị Hằng nói: “Bạn bè con đứa nào cũng có quần áo, giầy mới thật đẹp còn con chỉ mặc toàn đồ cũ”. Cô Bảy Hường buồn bã, nói: “Vợ chồng tôi đi làm thuê làm mướn cố gắng dành dụm chút đỉnh tiền nhưng không dám mua sắm gì nhiều cho con cái mà phải để dành đầu năm vào đóng học phí. Trẻ con thường so bì với bạn bè là chuyện thường, tôi cũng buồn lắm nhưng tụi nó chưa có ý thức, chưa hiểu cha mẹ nó cực khổ đến mức nào. Hôm qua đứa lớn đột ngột tuyên bố: “Con không đi học”, nghe vậy thằng nhỏ cũng nói theo: “Con ở nhà đi bán vé số””.
Chuyên gia tâm lý nói gì?
Chị Nguyễn Thị Xuân (phường Bến Nghé, quận 1) lại không cho các con đến trường trong khi các cháu khóc lóc đòi đi. Lý do mà chị Xuân đưa ra để “cảnh báo” với các con là: “Nếu đi học sẽ dễ bị mắc cúm A/H1N1”. Mặc cho những lời khuyên can của những người trong gia đình, chị Xuân vẫn một mực bảo lưu ý kiến của mình. Em Nguyễn Văn Phát (HS lớp 10 ở quận 10) tâm sự: “Em có cảm giác không thích thú lắm khi phải đi học lại, em ước gì mùa hè của em được dài thêm ra, em còn “thèm” hè lắm. Thời gian hè em phải đi học thêm, cũng không thấm tháp gì với mỗi tuần 3 buổi vừa đi học võ vừa học bóng rổ”…
Chuyện con của anh Dũng không chịu đến trường đã được anh đến gặp chuyên gia tâm lý nhờ cầu cứu. Sau khi kiểm tra, chuyên gia tâm lý khẳng định nguyên nhân chính khiến con anh Dũng chưa chịu đi học lại vì đồng hồ sinh học của cháu trong những ngày hè đã quen như vậy. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến trẻ luôn ở trong tâm trạng lo lắng, mệt mỏi khi nghe đến hai chữ đi học. Trong khi nghỉ hè, một phần do các cháu ỷ lại không đi học nên tha hồ “nướng”, phần cũng do cha mẹ tạo một nếp sống, thói quen không tốt ở các em nên khi đi học các em phải dậy sớm, mệt mỏi vì “ngủ chưa đã giấc”. ThS. tâm lý Nguyễn Thị Bích cho biết: “Để đồng hồ sinh học của các em bình thường trở lại phải mất ít nhất 5 ngày. Thời gian này người lớn cũng đừng quá lo lắng, sự lo lắng quá mức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý vốn đã bị xáo trộn từ trước mà phải tạo mọi điều kiện gần gũi, giúp đỡ các em. Có không ít các bậc phụ huynh lại trừng phạt các em bằng đòn roi khi các em không chịu đi học, điều này dễ dẫn đến tình trạng trẻ bị trầm cảm, bỏ học”.
Kỳ nghỉ hè của các cháu thật sự có ý nghĩa nếu người lớn sử dụng quỹ thời gian một cách hợp lý. Đây cũng là bài học cho các bậc cha mẹ bắt ép con cái học thêm trong hè quá nhiều, vô tình rút ngắn khoảng thời gian nghỉ hè của các em và tạo tâm lý chán nản, lười học nơi các em.
Xuân Hà