Thứ sáu, 10/8/2018, 10h34

Học sinh đã xác định rõ hơn về định hướng nghề nghiệp

Từ cuối tháng 7, một số trường cao đẳng, trung cấp tiếp nhận hồ sơ, tuyển sinh. Những ngành nghề thị trường lao động đang cần được học sinh đăng ký học ngày càng tăng.

Định hình tự phân luồng theo thị trường lao động

Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nhận hồ sơ từ cuối tháng 7 và đang làm thủ tục nhập học cho các học viên. Bố con anh Vũ Hồng Chuyển đến từ Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) và gia đình anh họ cùng đưa con đến làm thủ đăng ký vào khoa điện lạnh.

Nhận hồ sơ và làm thủ tục tại trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội.

Anh Vũ Hồng Chuyển cho biết: “Sau khi thi tốt nghiệp THPT, cháu xác định học nghề với lý do muốn ra trường có việc làm luôn. Anh họ của cháu tốt nghiệp một trường Đại học về kỹ thuật nhưng ra trường phải đi làm công nhân ở một KCN gần nhà. Do đó, cháu xác định học nghề điện lạnh là nghề thị trường đang có nhu cầu nhiều. Nếu có điều kiện sẽ học liên thông sau này. Gia đình tôn trọng quyết định của cháu để nhập học luôn từ cuối tháng 7.

Còn em Vũ Hồng Cường, con anh Chuyển cũng chia sẻ: Ngay từ cuối năm học, thầy hiệu phó của trường PTTH cũng đã tư vấn cho học sinh một số trường cao đẳng, trung cấp có thể theo học để phù hợp với năng lực. Sau khi tham khảo những bậc đàn anh đi trước, em quyết định chọn nghề điện lạnh. Học xong em sẽ đi làm công ty, sau đó về mở xưởng tại nhà.

Thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: Các nghề điện công nghiệp, cơ điện tử, điện lạnh, công nghiệp ô tô, cắt gọt kim loại, hàn, quản trị mạng máy tính được học sinh lựa chọn đồng nhất, trong khi khối ngành kinh tế ít hơn. Điều này cho thấy học sinh đã có ý thức hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp theo nhu cầu thị trường lao động. Trong đợt tuyển sinh đầu tiên, nhà trường dự kiến sẽ tuyển được 500 học viên trong tổng số chỉ tiêu là 1.500 (hệ cao đẳng 1.200 em và trung cấp 300 em). Các em được trực tiếp thực hành nghề trong các năm thứ 2 và thứ 3. Thực tập tại doanh nghiệp sẽ giúp các sinh viên được tiếp cận và thuần thục những kỹ năng sản xuất thực tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng trả tiền lương tối đa đến 150.000 đồng/ngày và sinh viên được ăn trưa tại doanh nghiệp.

Quá trình thực tập, doanh nghiệp rất chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sản xuất thực tế cho các em. Các sinh viên có tố chất tốt thường đã được doanh nghiệp “chấm” trước để giữ lại làm việc cho doanh nghiệp ngay sau tốt nghiệp. Các em sinh viên đi thực tập như vậy cũng có thêm động lực để say mê với chương trình đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội trong nhiều năm nay đều cam kết học nghề xong có việc làm và mức lương 5-7 triệu đồng/tháng đang là một trong những nhân tố thu hút những học sinh có mong muốn học xong có việc làm luôn đăng ký theo học.

Trong khi đó, tại trường Cao đẳng du lịch Hà Nội có chỉ tiêu tuyển sinh 2.300 học sinh (trong đó gần 2000 là hệ cao đẳng, hơn 3000 là trung cấp), đến đầu tháng 8, số hồ sơ đăng ký hơn 3.500. “Nếu theo tỷ lệ 70% hồ sơ đăng ký vào nhập học như các năm trước kia thì năm nay trường sẽ tuyển sinh đủ”, thầy Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng du lịch Hà Nội cho biết.

Trường nghề tự khẳng định bằng chất lượng đào tạo

Năm 2018, cả nước có trên 925.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, hơn 688.600 thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ, trong khi tổng chỉ tiêu của các trường là 455.174. Như vậy, so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh thì số thí sinh dư ra là hơn 230.000. Đây sẽ là nguồn tuyển vào hệ thống trường cao đẳng, trung cấp và rất nhiều học sinh xác định học nghề ngay từ khi có điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Thầy Đồng Văn Ngọc cho biết: Tuyển sinh năm nay sẽ khó đoán hơn các năm trước. Số hồ sơ đăng ký vào nhiều trường Cao đẳng, trung cấp sẽ có nhiều hồ sơ ảo, có trường hồ sơ ảo lên tới 80%. Nguyên nhân do đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục Đào tạo không có quy định điểm sàn, dẫn đến một số trường Đại học đưa ra mức điểm đầu vào thấp. Thậm chí một số trường đưa ra phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học bạ hoặc đưa ra mức điểm sàn là 12 cũng có nghĩa là chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT là vào Đại học.

Một đại diện của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH nhận định: “Việc các trường ĐH xét tuyển bằng học bạ và điểm thi THPT quốc gia với mức điểm nhận hồ sơ quá thấp thực chất là đang “vét” thí sinh dẫn đến chất lượng đào tạo ĐH sẽ không đảm bảo. Điều này đang phá vỡ việc thực hiện công tác phân luồng theo Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ”.

“Do đó, các trường cao đẳng, trung cấp có chất lượng đào tạo tốt, ra có việc làm ngay vẫn có lợi thế tuyển sinh tốt, nhất là ý thức của học sinh và phụ huynh đã có chuyển biến lớn trong những năm gần đây”, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết..

Về công tác tuyển sinh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chủ động triển các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường công tác tuyển sinh như: Ban hành công văn chỉ đạo các trường cao đẳng, trung cấp tăng cường công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ trung cấp với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; Xây dựng, công bố ứng dụng “Chọn nghề - Chọn trường” trên thiết bị di động; đẩy mạnh thông tin truyền thông, tư vấn hỗ trợ tuyển sinh hướng tới hình ảnh học nghề để ổn định tương lai.

XC/Báo Tin tức