Thứ bảy, 26/12/2015, 22h08

Học sinh đòi... đổi giáo viên

Tình huống: Cô Lan hôm nay bị bệnh, nên tổ trưởng nhờ cô Hoa vào dạy thay giúp cô Lan. Sau tiết học đó, các em học sinh trong lớp đến gặp hiệu trưởng và nói rằng: “Cô ơi chúng con rất muốn được học cô Hoa, vì cô Hoa giảng bài rất dễ hiểu. Còn cô Lan giảng bài khó hiểu quá”.

Trong hoạt động giáo dục, giáo viên phải lắng nghe ý kiến học sinh và điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng người học. Trong ảnh: Giáo viên Trường TH Nguyễn Thanh Tuyền (Q.3) đang hướng dẫn học sinh tập đọc. Ảnh: N.Trinh

Cách giải quyết của hiệu trưởng

Sau khi nghe học sinh bày tỏ như vậy, cô hiệu trưởng nhẹ nhàng khen ngợi các em đã mạnh dạn trình bày suy nghĩ của mình, khen các em đã tập trung học tốt giờ học cô Hoa.

Tiếp theo, cô hiệu trưởng giải thích cho các em hiểu mỗi thầy cô đều có một phương pháp dạy riêng nhưng đều có chung một mục đích là giúp học sinh nắm vững được kiến thức. Chính vì vậy các em không nên so sánh để rồi khen người này, chê người kia. Các em rất may mắn là đã được học cô Lan, đó là một cô giáo có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao, đã đào tạo được nhiều học sinh giỏi. Có thể là các em chưa quen với phương pháp dạy học của cô Lan nên cảm thấy khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng. Cách tốt nhất là các em nên trao đổi thẳng thắn với cô Lan để cô - trò có thể hiểu nhau. Và một giáo viên luôn có tinh thần trách nhiệm cao như cô Lan, cô sẽ sẵn sàng điều chỉnh phương pháp dạy để các em dễ hiểu hơn. Ngoài ra, cô hiệu trưởng cũng nhắc các em nên điều chỉnh cách học của mình như đọc và chuẩn bị bài trước khi đến lớp để khi vào lớp có thể tham gia xây dựng bài và có thể đạt được kết quả cao nhất.

Quản lý là một nghề

Điều này đòi hỏi ở các nhà quản lý phải có tri thức quản lý, không ngừng học tập để nâng cao trình độ của mình; cần vận dụng kiến thức quản lý để hoàn thiện hoạt động quản lý; cần rút kinh nghiệm những thành công và thất bại, cũng như rèn luyện kỹ năng xử lý các tình huống trong quản lý. Nhà quản lý nắm được khoa học quản lý sẽ giảm thiểu nguy cơ thất bại; nắm được nghệ thuật quản lý sẽ giúp giữ được sự bền vững trong quá trình điều hành. Vậy nên trong quản lý cần phải đảm bảo tính khoa học và tính nghệ thuật, nó sẽ giúp cho nhà quản lý thành công hơn.

Cuối cùng, cô yêu cầu phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sẽ dự giờ thăm lớp nhằm nắm được phương pháp dạy của cô Lan để từ đó đưa ra phương pháp dạy thích hợp nhất giúp học sinh hiểu bài hơn.

Phân tích cách giải quyết trên

Thứ nhất, cô hiệu trưởng giải quyết tình huống trên theo thuyết Elton W.Mayor: Thỏa mãn các nhu cầu tâm lý của con người như muốn được người khác quan tâm, kính trọng, muốn có vai trò quan trọng trong sự nghiệp chung, muốn làm việc trong bầu không khí thân thiện giữa các đồng sự… Theo đó, hiệu trưởng đã quan tâm và tôn trọng ý kiến của học sinh bằng cách khen ngợi các em đã mạnh dạn trình bày suy nghĩ của mình, khen các em đã tập trung học tốt giờ học cô Hoa. Cải thiện mối quan hệ giữa cô Lan và học sinh bằng việc nhắc nhở các em nên điều chỉnh cách học của mình để đạt được kết quả cao nhất. Kế đó cô đã yêu cầu phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn dự giờ thăm lớp để nắm được phương pháp dạy của cô Lan, từ đó đưa ra phương pháp dạy thích hợp nhất giúp học sinh hiểu bài. Thứ hai, hiệu trưởng giải quyết tình huống trên theo thuyết Frederic W.Taylor: Xây dựng định mức công việc, chọn người thích hợp, hai bên hợp tác và cùng nhau cố gắng. Taylor đưa ra 4 nguyên tắc quản lý khoa học: Phương pháp khoa học cho những thành tố cơ bản cho công việc, xác định chức năng hoạch định của nhà quản lý, lựa chọn và huấn luyện, phát triển tinh thần hợp tác, phân chia công việc để mỗi bên làm tốt công việc của họ.

Xác định chức năng hoạch định của hiệu trưởng thay vì để học sinh tự lựa chọn, yêu cầu cả giáo viên và học sinh cùng hợp tác, phân công công việc để mỗi bên cùng làm tốt như: Giáo viên phải lắng nghe ý kiến của học sinh và điều chỉnh phương pháp dạy, học sinh phải đọc và chuẩn bị bài tốt ở nhà, vào lớp lắng nghe cô giáo giảng…

Lê Nguyễn Thị Minh Xuân - Hai Đức