Thứ năm, 15/6/2017, 23h30

Học sinh góp ý giáo viên: nên không?

Là một phụ huynh, tôi thấy việc tổ chức cho học sinh (HS) góp ý cho giáo viên (GV) là cần thiết và mang nhiều ý nghĩa thực tế.

Thông qua việc góp ý GV, HS sẽ bộc lộ được suy nghĩ, mong muốn của mình (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Thứ nhất, việc tạo điều kiện cho HS góp ý với GV là thể hiện đúng tinh thần “người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục” như Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu. Có lẽ nào người học là trung tâm của quá trình giáo dục mà bản thân không được tạo điều kiện đầy đủ để bày tỏ, để thể hiện nhu cầu, sự mong muốn về việc học của mình? Có lẽ nào người học chỉ có học thụ động theo cách của GV áp đặt với phương pháp, quan điểm, nhận thức của GV mà không được quyền phản hồi, góp ý? Tức là, có lắng nghe góp ý thì GV và nhà trường mới hiểu đầy đủ nguyện vọng, nhu cầu của người học.

Thứ hai, lâu nay, việc giảng dạy ở nước ta thường chỉ có một chiều, từ GV đến HS mà có rất ít sự thể hiện chiều ngược lại. Điều đó tạo ra sự thụ động, lệ thuộc của rất nhiều HS, cả trong tư duy và cách ứng xử. Do đó, tổ chức cho HS góp ý chính là cách để phát huy tính năng động, ý thức trách nhiệm của HS đối với việc học của bản thân mình. Đơn giản có thể thấy, mỗi HS có năng lực, tư chất khác nhau nhưng việc truyền thụ là hoàn toàn giống nhau, cách đánh giá cũng giống nhau; vậy các em có quyền đề nghị, mong mỏi GV điều chỉnh cách thức truyền thụ để có thể tiếp thu bài tốt hơn, việc đánh giá năng lực của các em chính xác hơn. Không tạo điều kiện để HS góp ý thì làm sao GV thấu hiểu được điều đó?

Thứ ba, trên thực tế, GV đứng lớp cần có nhận thức về việc “thầy và trò học tập lẫn nhau” chứ không phải chỉ có HS mới là người học. Người thầy có thể học ở trò cả về kiến thức, cách suy nghĩ, thái độ ứng xử… để bồi bổ cho nhận thức, tư duy và quan điểm sống của mình. Tiếp xúc trên lớp, sau giờ học là một kênh quan trọng để đôi bên có thể học tập lẫn nhau, nhưng việc góp ý cũng là một kênh khác không kém ý nghĩa để người thầy có thể rút ra những bài học cho bản thân mình, từ đó hoàn thiện mình hơn, nâng cao chất lượng giảng dạy tốt hơn, có thái độ ứng xử với HS tốt hơn.

Thứ tư, qua việc góp ý, HS bộc lộ được suy nghĩ, mong muốn của mình góp phần quan trọng vào việc xây dựng mối quan hệ tích cực giữa GV nói riêng và nhà trường nói chung với HS. Trong đó, dù chỉ nhìn ở góc độ tích cực, sự quan tâm, chăm chút của GV và nhà trường cho HS không phải lúc nào cũng có hiệu quả như mong muốn, bởi lắm khi người lớn đem tư duy của mình mà áp đặt cho trẻ và khi nhìn nhận về trẻ lại có quan điểm trẻ là “người lớn thu nhỏ”. Nhìn rộng hơn, nếu sự quan tâm, chăm chút còn thiếu sót, lệch lạc thì lại cần sự phản hồi để điều chỉnh hơn. Do đó, việc HS góp ý với GV là một kênh để nhà trường, các nhà quản lý giáo dục nhận thấy những “tồn tại”, “hạn chế”, “khuyết điểm” của từng GV nói riêng, của cách thức quản lý và giảng dạy của nhà trường nói chung và nhìn rộng ra hơn là của sự vận hành của cả nền giáo dục.

Dĩ nhiên, việc tổ chức để HS góp ý GV phải được chặt chẽ, khoa học, khách quan, cầu thị và tôn trọng sự thật. Chẳng hạn, việc lấy ý kiến và xử lý ý kiến phải thể hiện sự tôn trọng HS, tránh quy chụp, thành kiến; các ý kiến không xác đáng cần có trao đổi lại để HS hiểu đúng; những góp ý được tiếp thu, khắc phục, sửa chữa cũng cần thông tin cho HS biết để tăng thêm tinh thần trách nhiệm trong mỗi ý kiến của mình; việc lấy ý kiến nên tiến hành thường xuyên chứ không phải theo kiểu phong trào… Ngoài ra, cũng nên nghiên cứu chọn lứa tuổi nào để lấy ý kiến (có thể từ bậc THCS trở lên?), hình thức lấy ý kiến nào phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, lối sống (trao đổi trực tiếp, qua hộp thư kín, qua thư điện tử…?).

Vì những lẽ đó, ngành giáo dục nên tổ chức cho HS góp ý với GV với hình thức phù hợp. Việc làm này có ý nghĩa thiết thực cho cả GV, nhà trường và HS nên cần được tổ chức chặt chẽ, hợp lý, tránh hình thức, chiếu lệ.

Trúc Giang (TP.HCM)