Thứ ba, 20/9/2016, 21h01

Học sinh là “gà đẻ trứng vàng”?

Câu chuyện hàng loạt học sinh Trường THPT Cao Bá Quát (TP.Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) phản đối nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm tuần qua không chỉ thu hút sự quan tâm của phụ huynh mà còn nhiều thành phần khác trong xã hội.

Theo truyền thông, các em đã tập trung trước cổng trường để phản đối, một số em còn dán các tờ rơi phản đối việc nhà trường dạy phụ đạo, thậm chí các em còn lập hội những học sinh phản đối học thêm trên mạng xã hội.

Câu chuyện đã gây ra không ít xôn xao trong dư luận vì đây được coi là lần đầu tiên học sinh một trường THPT dám bày tỏ ý kiến phản đối với lãnh đạo nhà trường. Đến nay Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu lãnh đạo nhà trường ngưng tổ chức dạy thêm, tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm khắc, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm trên.

Qua câu chuyện Trường THPT Cao Bá Quát cho thấy, việc ép buộc dạy thêm, học thêm tại nơi này nơi kia trong các trường mà dư luận phản ánh trong thời gian qua là có. Dù phía nhà trường đưa ra các lý do để biện hộ cho việc tổ chức dạy thêm như chương trình học còn nặng nề, sức học của các em còn kém, đề thi luôn thay đổi… Nhưng việc dạy thêm mang tính ép buộc như trên là sai với quy định hiện hành về quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT.

Có một thực tế không nói ra nhưng ai cũng biết là việc dạy thêm trong nhà trường mang lại một khoản thu không nhỏ của các trường. Bởi vậy, hiện có không ít trường tìm cách tổ chức dạy thêm dưới nhiều hình thức. Để tránh sự dòm ngó của dư luận về dạy thêm, học thêm, các trường đặt ra nhiều tên khác như tăng tiết, phụ đạo, nâng chất lượng, lớp chọn, dạy năng khiếu...

Có thể việc dạy thêm mang lại cái lợi trước mắt cho nhà trường như kết quả học tập của học sinh cao hơn, giáo viên có thêm một khoản thu nhập để bù đắp cuộc sống… Nhưng theo các chuyên gia giáo dục, không nên coi học sinh là những “con gà đẻ trứng vàng” vì hệ quả mang lại sẽ vô cùng tai hại.

Các chuyên gia cũng đã phân tích rất nhiều về tác hại của việc học thêm quá mức, có lẽ không cần thiết phải nhắc lại ở đây. Các chuyên gia cũng cảnh báo trong tương lai về một thế hệ trẻ thụ động và một nguồn nhân lực mất khả năng sáng tạo. Lối giáo dục đó đang đi ngược và gây cản trở cho con đường giáo dục mới chú trọng nâng cao phẩm chất, kỹ năng, sức sáng tạo của người học theo định hướng Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới cơ bản và toàn diện GD-ĐT.

Mong sao hiện tượng như Trường THPT Cao Bá Quát chỉ là trường hợp đơn lẻ. Nhưng dù sao cũng cần xem đây là bài học mà các trường cần chú ý. Chúng ta đang xây dựng nhà trường thân thiện - nhà trường là nơi ươm mầm ước mơ cho các chủ nhân tương lai để xây dựng đất nước, chứ không phải nơi làm tắt mọi ước mơ của các em.

Từ Nguyên Thạch