Thứ năm, 22/9/2016, 21h10

Học sinh là “hạt nhân” trong bảo vệ môi trường

Bằng mọi cách tác động học sinh (HS) hiểu ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường (BVMT) trong bối cảnh nhiều điểm nóng về môi trường hiện nay là trách nhiệm của toàn xã hội.

Ký kết phối hợp về các hoạt động truyền thông môi trường trong trường học giữa Sở TN-MT và Sở GD-ĐT TP.HCM

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MTTP.HCM khẳng định như vậy tại Hội thảo “Giáo dục và truyền thông môi trường trong trường học” do Sở TN-MT phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 22-9.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT nhấn mạnh: Với mục tiêu đến năm 2020 có 80% người dân áp dụng hành vi BVMT đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày; bên cạnh nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường, sở luôn chú trọng công tác truyền thông về BVMT. Đặc biệt, đối với công tác truyền thông môi trường dành cho HS. Bởi, HS không chỉ đóng vai trò là hạt nhân trong BVMT mà đồng thời là những tuyên truyền viên tích cực, tác động đến các thành viên khác trong gia đình.

Về vấn đề này, thầy Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường TH Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận), cho rằng: Kinh phí dành cho hoạt động BVMT trong trường học rất hạn hẹp, chính vì thế phải tranh thủ sự đóng góp của phụ huynh và các tổ chức khác để duy tu, sửa chữa, tạo mảng xanh. Nhiều năm triển khai giáo dục lồng ghép vào chương trình chính và ngoại khóa, hiệu quả trong giáo dục và BVMT đạt hiệu quả cao, nổi bật nhất là việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Đại diện Phòng GD-ĐT Q.4 cũng đã chia sẻ mô hình hay về giáo dục BVMT của Trường TH Nguyễn Văn Trỗi. Theo đó, trường này đã tổ chức sáng tác tranh từ các vật dụng phế thải, sau đó bán đấu giá. Kinh phí thu được sử dụng để thực hiện tiếp các sản phẩm khác. Đây là một hoạt động giáo dục môi trường bền vững, kích thích HS, phụ huynh và cả giáo viên tham gia.

Trường THCS Âu Lạc (Q.Tân Bình) thì sử dụng tiết thư viện để HS tham gia các hoạt động BVMT. Thầy Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hoạt động này được HS hào hứng tham gia và đã có một nền tảng kiến thức vững vàng về phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Dịp này, đại diện hai sở cũng đã ký kết phối hợp giai đoạn 2016-2020 như một cam kết về việc phát huy và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông môi trường trong trường học. Mục đích là tăng cường nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi hành vi và hình thành thói quen BVMT trong HS. Đồng thời nhân rộng mô hình xanh-sạch-đẹp, thực hiện các giải pháp 3T (tiết giảm, tái sử dụng và tái chế) và phân loại chất thải tại nguồn. Theo đó, nội dung phối hợp tập trung: Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt về BVMT tại các trường học; Hướng dẫn và hỗ trợ giáo viên lồng ghép các nội dung về BVMT vào hoạt động giáo dục và truyền thông trong trường học; Nghiên cứu và đề xuất mô hình trung tâm giáo dục và truyền thông môi trường dành cho thiếu nhi tại TP.HCM…

T.An