Thứ bảy, 11/11/2017, 15h39

Học sinh lớp 9 kiểm tra theo đề tuyển sinh lớp 10

Học sinh lớp 9 tại TP.HCM đang học theo hướng giải quyết tình huống thực tiễn và thực hiện các bài kiểm tra bám sát cấu trúc đề thi minh họa tuyển sinh lớp 10.

Học sinh lớp 9 tại TP.HCM sẽ làm đề thi kiểm tra học kỳ theo cấu trúc đề thi minh họa thi tuyển sinh lớp 10 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh lớp 9 tại TP.HCM sẽ làm đề thi kiểm tra học kỳ theo cấu trúc đề thi minh họa thi tuyển sinh lớp 10. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Thay đổi cách tiếp cận kiến thức
Lãnh đạo các phòng giáo dục cho hay việc giáo viên giảng dạy theo phương pháp tích hợp liên môn, liên hệ kiến thức vào vận dụng giải quyết các tình huống thực tiễn đã được đẩy mạnh trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, khi đề thi cũng đổi mới theo hướng này thì giáo viên cần phải chủ động và tích cực hơn nữa trong khi cung cấp kiến thức cho học sinh.
Với sự thay đổi nhiều nhất ở đề thi môn toán, Sở GD-ĐT đưa ra tỷ lệ 50% là hiểu và vận dụng, 30% là kiến thức của các bộ môn khác như lý, hóa, sinh, địa lý. Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1), thông tin: “Đóng vai trò là “chủ xị”, giáo viên tổ bộ môn toán cùng các môn học khác có liên quan đã bàn bạc thống nhất đưa những kiến thức nào, nội dung nào vào môn toán. Bên cạnh đó, giáo viên môn vật lý, hóa học, sinh học, trong quá trình giảng dạy cũng tích hợp một số kiến thức toán phù hợp để rèn luyện dần cho học sinh”.
Giáo viên N.H, tổ trưởng tổ toán một trường THCS tại Q.1, cho biết dạy kiến thức đến đâu, thấy phù hợp, giáo viên đưa các tình huống vận dụng đến đó. Việc làm này sẽ cho học sinh làm quen với đọc, hiểu và chuyển hóa từ bài toán thực tế sang các dạng toán thông thường đã nắm vững cách giải. Đến thời điểm này, các bài toán hình học, lập phương trình đang được giáo viên áp dụng các tình huống thực tế.
Tương tự, đề thi môn ngữ văn, ở phần đọc - hiểu, trước đây khu trú trong văn bản sách giáo khoa thì sắp tới, Sở GD-ĐT có thể cho dữ liệu là văn bản bất kỳ, có khi là văn bản ở lĩnh vực lịch sử, địa lý, hóa học hoặc khoa học… Do vậy, giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), cho rằng phải thay đổi cách tiếp cận kiến thức cho học sinh và khuyến cáo học trò học, hiểu chứ không thể học vẹt kiến thức trong mỗi tác phẩm văn học. Chẳng hạn, trước đây học sinh thường có xu hướng học thuộc các loại hình nghệ thuật thể hiện trong mỗi tác phẩm thì nay phải hiểu và nắm bản chất thế nào là nghệ thuật so sánh, thế nào là nhân hóa... để có thể vận dụng kiến thức khi trả lời câu hỏi trong một văn bản ngoài sách giáo khoa.
Kiểm tra theo định dạng bài thi tuyển sinh
Giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi cho biết thông thường, đối với học sinh lớp 9, các trường đều có định hướng biên soạn các bài kiểm tra một tiết và phòng giáo dục biên soạn đề kiểm tra học kỳ theo định dạng đề tuyển sinh. Đối với môn ngữ văn, đề bài 15 phút thì ngữ liệu có thể vẫn dùng trong sách giáo khoa nhưng với bài kiểm tra một tiết thì tỷ lệ có thể 40% ngoài sách để học sinh dần dần thích ứng với sự thay đổi.
Một giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) cho hay sẽ đưa bài toán thực tế vào các bài kiểm tra. Chẳng hạn bài kiểm tra một tiết có thể có từ 1 đến 2 bài nhưng có thang điểm ít nhằm mục đích cho học sinh làm quen. Còn bài kiểm tra học kỳ, năm trước có một bài theo dạng thực tiễn thì năm nay có thể là 2 bài và phần kiểm tra kiến thức hàn lâm sẽ giảm đi.
Ông Trần Hữu Thắng, Tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết do sắp tới đề tuyển sinh lớp 10 bỏ phần tìm lỗi sai và thay vào đó là các câu hỏi tình huống thực tế trong đời sống xã hội như giao thông, văn hóa... dưới dạng trắc nghiệm. Như vậy, đề thi còn lại 6 phần kiểm tra kiến thức là trắc nghiệm, loại từ, chuyển đổi câu, sắp xếp từ... Đây là những nội dung học sinh đã học từ lớp 6 và được mở rộng vốn từ ở những lớp sau. Do vậy các bài kiểm tra một tiết hay bài kiểm tra học kỳ đều bám sát cấu trúc đề tuyển sinh.
Cũng theo giáo viên Ý Nhi, với xu hướng đổi mới đề thi của Sở, khi học sinh hiểu bài, nắm kiến thức, phương pháp làm bài thì việc học và thi rất nhẹ nhàng chứ không nặng nề như những năm trước.
Những thay đổi trong đề thi
Môn toán sẽ có 50% hiểu và vận dụng, 30% kiến thức của các bộ môn khác như lý, hóa, sinh, địa lý. Tức là có 3 điểm là các bài toán về lý, hóa, sinh, địa nhưng không gây áp lực học sinh phải học nhiều môn và không bắt học sinh phải nhớ nhiều công thức, kiến thức chi tiết. Có thể trong đề sẽ nhắc lại công thức nhưng cần hiểu kiến thức môn đó và vận dụng toán vào giải quyết câu hỏi. Còn lại 20% là vận dụng cao của toán là những bài toán khó.
Môn ngoại ngữ, các câu hỏi thể hiện yêu cầu các kiến thức vận dụng, các tình huống cần sử dụng ngoại ngữ vào trong đời sống.
 

Bích Thanh/TNO