Thứ bảy, 24/3/2018, 09h57

Học sinh muốn có sân chơi

Ngày 23-3, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã có buổi lắng nghe, đối thoại với 110 học sinh tiêu biểu đại diện cho các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Học sinh muốn có sân chơi - Ảnh 1.

Học sinh ý kiến trong buổi đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM sáng 23-3 - Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN

Năm nay, với chủ đề "Học sinh thành phố phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ", học sinh đã mạnh dạn bày tỏ những bức xúc, bất cập trong chương trình học và chủ động "hiến kế" giải quyết các vấn đề cho lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM.

Khuấy động tinh thần thể thao

Tại buổi đối thoại, bạn Nguyễn Tấn Đức (Trường THPT Võ Văn Kiệt) ý kiến: "Hiện nay em thấy giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, rất lười vận động và chìm đắm trong lối "sống ảo" trên mạng xã hội. Sức khỏe các bạn giảm sút rất nhiều. Vì vậy, em mong thầy cô quan tâm hơn về vấn đề sức khỏe; tạo ra nhiều sân chơi hơn nữa cho học sinh. Ở một số nơi, sân chơi đã có nhưng tinh thần thì chưa. Theo em, quan trọng nhất là phải khuấy động được tinh thần rèn luyện thể dục thể thao trong nhà trường".

Đồng tình với Tấn Đức, bạn Trần Văn Tài (Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.3) cũng nêu thực trạng trường bạn và một số trường khá chật hẹp, không có đủ không gian cho học sinh tập luyện thể dục thể thao hay thậm chí là vận động, vui chơi. "Giờ ra chơi, em và các bạn chủ yếu xuống căngtin ăn sáng hoặc ngồi trong lớp làm bài, nói chuyện. Tụi em rất muốn có một sân chơi để có thể tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe, hay đơn giản hơn là có không gian để vận động" - Tài nói.

Nguyễn Thị Nhân (học sinh Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú) đề xuất giải pháp thúc đẩy học sinh tham gia rèn luyện thể chất, văn hóa văn nghệ và trang bị kỹ năng sống: "Nhiều học sinh không chịu tham gia các hoạt động. Theo em, việc đầu tiên là tập trung tuyên truyền. Em có theo dõi một số fanpage của các trường, em thấy việc quản lý, đăng bài hay chia sẻ thông tin trên các trang đó rất hời hợt. Trong khi đó, mọi người đều biết mạng xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến các bạn học sinh. Các bạn làm công tác thông tin cần đầu tư hình ảnh, chăm chút câu văn, bài viết thì các bạn mới tiếp cận được. Đẩy mạnh trang fanpage của trường, của phòng và sở GD-ĐT sẽ thu hút được sự quan tâm nhiều hơn".

Tăng cường giáo dục kỹ năng sống

Các bạn học sinh cũng đưa ra những băn khoăn về giáo dục kỹ năng sống. Một học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đề nghị đưa vào giảng dạy trong nhà trường các lớp kỹ năng sống sót khi đi lạc trong rừng, thoát hiểm và cứu người trong cháy nổ...

"Rèn luyện thể - mỹ cho học sinh, cụ thể hơn là giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội hiện chúng em đã được học rất nhiều tiết học hoặc những buổi sinh hoạt kỹ năng. Tuy nhiên, các buổi sinh hoạt em đã được học thường có nội dung na ná nhau. Em vẫn chưa thực sự hiểu được mình cần làm gì khi gặp phải những trường hợp đáng báo động như xử lý thông tin trên mạng xã hội, lộ thông tin cá nhân, hình ảnh nhạy cảm... Em mong lãnh đạo ngành giáo dục tổ chức những buổi sinh hoạt lớn hơn, chuyên sâu, thời sự hơn và kết hợp với việc ứng dụng thực hành chúng" - So Qua Ni, nữ sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, ý kiến.

Mong được lắng nghe hơn

Nhiều bạn bày tỏ lo lắng, trăn trở trước việc học sinh với giáo viên không có mối quan hệ khăng khít do thời gian bó hẹp. Thầy và trò không có thời gian sinh hoạt, trò chuyện cùng nhau. Nhiều giáo viên chủ nhiệm còn phải lấy tiết sinh hoạt để "chạy" bài hoặc làm giờ kiểm tra.

Thậm chí, một học sinh đã bật khóc khi kể về sự im lặng của cô giáo mình. "Bản thân em luôn mong muốn giáo viên của mình nói chuyện với lớp. Chúng em cảm thấy việc giáo viên đến lớp chỉ để giảng bài là một việc vô cùng nhàm chán. Em mong muốn cô nói chuyện với lớp dù chỉ một lần vì ngoài giảng bài ra, cô không nói gì cả".

PHƯƠNG NGUYÊN/TTO