Thứ bảy, 14/1/2017, 21h04

Học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật: Sản phẩm sáng tạo và thiết thực

Chế tạo robot cứu hỏa, hộp đen hỗ trợ cứu nạn hay giúp bạn trẻ nhận biết và vượt qua trầm cảm… là những sản phẩm thiết thực mà học sinh (HS) TP.HCM đưa ra tại vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học cấp thành phố năm học 2016-2017. Hoạt động này do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 14-1 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Võ Bảo Huy và Trịnh Thành Tâm, HS Trường TH-THCS-THPT Hòa Bình giới thiệu về robot cứu hỏa. Ảnh: D.Bình

Chế tạo robot cứu hỏa

Đó là sản phẩm của HS Võ Bảo Huy và Trịnh Thành Tâm (lớp 12A2, Trường TH-THCS-THPT Hòa Bình). Thành Tâm chia sẻ: “Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn gây hậu quả nặng nề về người và của. Vì vậy chúng em thiết kế sản phẩm này để giúp công tác phòng cháy chữa cháy hiệu quả hơn và giảm thiểu nguy hiểm cho người cứu hỏa”.

Robot cứu hỏa gồm phần khung, ống đựng nước, cánh tay robot, camera và quan trọng nhất là bộ xử lý trung tâm để robot có thể đến mọi ngõ ngách của đám cháy dập lửa. Đồng thời camera ghi hình được nối trực tiếp với smartphone để truyền dữ liệu về cho chỉ huy điều khiển dễ dàng.

Cùng với robot cứu hỏa, hộp đen dành cho người - thiết bị hỗ trợ cứu nạn của Nguyễn Lâm Gia Nghi và Vũ Phương Thảo (lớp 11 chuyên văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Phương Thảo cho biết: “Nhu cầu cần được bảo vệ và ngăn ngừa nguy hiểm từ cuộc sống xung quanh là thiết yếu của con người nhưng hiện nay vẫn chưa có nhiều công cụ hỗ trợ cho họ. Từ nhu cầu này, chúng em đã nhen nhóm ý tưởng để thực hiện hộp đen nhằm bảo đảm an toàn cho mọi người”. Thực tế, hộp đen đã được gắn trên nhiều phương tiện giao thông nhằm giám sát hành trình cũng như phương tiện phục vụ việc tìm kiếm thông tin xảy ra xung quanh. Vậy hộp đen của hai HS này có điểm gì khác biệt?

“Chúng em đã nghiên cứu tạo ra bộ cảm biến để khi tai nạn xảy ra, hộp đen sẽ truyền tín hiệu về cho người nhà nạn nhân biết và kịp thời giúp đỡ”, Gia Nghi cho hay…

HS trầm cảm làm đề tài chống trầm cảm

Năm học lớp 10, 11, Phan Thanh Nhật Trang (lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) trải qua sang chấn tâm lý khá nặng và bị trầm cảm. “Em sống trong gia đình vui vẻ, hạnh phúc, môi trường sống lành mạnh nên lúc đó em không hiểu tại sao mình bị trầm cảm”, Nhật Trang tâm sự.

Ngay sau khi biết mình bị trầm cảm, lúc nào cũng u buồn, Nhật Trang đã tìm hiểu về bệnh này qua sách và điều trị bằng tâm lý, bằng biện pháp tập thể dục nâng cao thể chất... Qua 6 tháng điều trị, Trang chia sẻ: “Em nhận thấy mình bị trầm cảm là do đặt kỳ vọng quá nhiều vào bản thân, áp lực thành tích học tập rất lớn, xung quanh em có quá nhiều bạn giỏi và thành công”. Từ nguyên nhân này, Trang thấy không chỉ bản thân mình mà nhiều HS khác cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Vì vậy, Trang cùng bạn học Lý Trần A Khương (lớp 12 chuyên Anh) quyết định thực hiện đề tài khoa học xã hội và hành vi: “Khảo sát tỉ lệ rối loạn trầm cảm ở HS THPT TP.HCM”.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học năm 2016-2017 có 604 đề tài đăng ký dự thi cấp thành phố (bậc THPT: 343 đề tài, bậc THCS: 261 đề tài) với 148 trường tham dự. Ban tổ chức đã chọn 37 đề tài vào dự thi vòng chung kết cấp thành phố, trong đó Trường THPT Gia Định có số lượng dẫn đầu (11 đề tài), kế đến là THPT chuyên Lê Hồng Phong (5 đề tài), THPT  Lương Thế Vinh (3 đề tài…). Vòng thi sẽ chọn ra 18 đề tài dự thi cấp quốc gia vào tháng 3-2017.

Đề tài đã khảo sát hơn 800 HS trên địa bàn thành phố về đánh giá nhanh sức khỏe học đường. “Công trình của chúng em nhằm mang đến cho mọi người cái nhìn tổng thể về chứng trầm cảm và cung cấp một chương trình ngắn hạn trong việc dự phòng và phát hiện trầm cảm cho các bạn HS”, A Khương thông tin.

Theo đó, đề tài này gồm các nội dung: Toàn cảnh về rối loạn trầm cảm, các yếu tố gây ra trầm cảm, nhận biết và cách phòng ngừa các dấu hiệu… Được biết, nhóm sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát trên diện rộng và tìm cách thực hiện mô hình phòng tư vấn tâm lý mẫu…

Tại vòng chung kết, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi khác cũng rất thiết thực như: Khảo sát tâm lý hành vi ứng xử của lứa tuổi THCS trong vấn đề tình yêu học đường của nhóm HS Trường THCS Phan Bội Châu, Q.Tân Phú; Quy hoạch và hình thành mạng lưới du lịch mới ở TP.HCM của nhóm HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám…

Nói về chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học năm nay của HS, ông Phan Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT đánh giá: “Các đề tài mang tính bám sát thực tiễn, gần gũi với cuộc sống, đặc biệt là gần với các lĩnh vực phát triển mũi nhọn của thành phố như tự động hóa, kỹ thuật, công nghệ… Ngoài ra, cũng có một số đề tài mang tính chất kế thừa, trên cơ sở tìm hiểu thông tin năm trước, HS đã đánh giá lại và phát triển bài bản hơn, cụ thể hơn”.

Dương Bình