Thứ năm, 8/10/2009, 16h10

Học sinh - sinh viên phải mua BHYT bắt buộc

Lâu nay, học sinh - sinh viên (HSSV) và những người hành nghề tự do thuộc đối tượng tự nguyện khi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng sắp tới sẽ có sự thay đổi.
Nên tham gia liên tục 36 tháng
Vào năm học mới, Báo Thanh Niên nhận được nhiều thắc mắc của bạn đọc về việc HSSV bắt buộc phải mua BHYT. Về vấn đề này, ông Cao Văn Sang - Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết: “Năm học 2009-2010, HSSV sẽ trở thành nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT. Các phụ huynh lưu ý đừng để gián đoạn BHYT HSSV thời điểm 2 tháng cuối năm (tháng 11 và tháng 12), vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi được hưởng BHYT trong khám, chữa bệnh của các em”.
Chính sách BHYT của HSSV năm 2009-2010 có sự thay đổi  quan trọng -
Ảnh: Thanh Tùng
Theo ông Sang, trước đây HSSV là đối tượng tham gia BHYT không thuộc diện bắt buộc. Nhưng kể từ 1.1.2010, HSSV đang theo học thường xuyên tại các trường từ tiểu học đến đại học thuộc các loại hình công lập, bán công, dân lập bắt buộc phải mua BHYT (ngoại trừ HSSV thuộc các đối tượng nghèo, cận nghèo, thân nhân là người có công, hoặc tham gia lực lượng vũ trang đã được cấp thẻ BHYT tại địa phương nơi cư trú theo quy định của luật).
Cũng theo ông Sang, mức đóng BHYT của HSSV khác nhau tùy tỉnh, thành vì mức hỗ trợ từ ngân sách mỗi tỉnh, thành cho HSSV khác nhau. Mức đóng BHYT của HSSV được tính như sau: 3% của mức lương tối thiểu (tính chung hiện hành là 650.000 đồng)/tháng x 9 tháng học; mỗi HSSV được hỗ trợ tối thiểu 30% của mức phải đóng trên (nghĩa là tối đa chỉ đóng 70%). Tại TP.HCM, cơ quan BHXH có đề xuất UBND TP hỗ trợ HSSV 50%, nhưng chưa nhận được trả lời, nên BHXH tạm thời áp dụng mức đóng theo quy định chung như trên. Nghĩa là, mỗi HSSV ở thành thị sẽ đóng 123.000 đồng cho 9 tháng (của năm 2010) cộng với 20.000 đồng (tháng 11 và 12 của năm 2009), tổng cộng là 143.000 đồng/HSSV/11 tháng. Mức đóng này không tăng bao nhiêu so với trước đây.
Theo ông Cao Văn Sang, phụ huynh học sinh nên mua BHYT cho con em luôn hai tháng 11 và 12.2009 vì nếu tham gia BHYT liên tục 36 tháng, HSSV được hưởng những kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh (KCB).
Quyền lợi thế nào?
HSSV được thanh toán 100% chi phí KCB khi tổng chi phí một lần KCB thấp hơn 15% mức lương tối thiểu hiện hành, hoặc KCB ở tuyến phường, xã; được thanh toán 80% chi phí KCB khi thực hiện KCB đúng theo quy định, kể cả khi sử dụng các kỹ thuật cao có chi phí lớn (nhưng không quá 40 tháng lương tối thiểu cho 1 lần sử dụng dịch vụ); được thanh toán 50% thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép nằm ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế nếu tham gia BHYT liên tục đủ 36 tháng trở lên.
Riêng với những người hành nghề tự do, thì đến năm 2014 mới phải tham gia BHYT bắt buộc. Mức đóng năm nay ở BHYT tự nguyện cũng có một số thay đổi (có tăng một ít) như sau: người thứ nhất trong hộ gia đình tham gia BHYT tự nguyện sẽ đóng 4,5% mức lương tối thiểu (650.000 đồng)/tháng x 12 tháng = 351.000 đồng/năm; từ người thứ hai đến người thứ 4 trong hộ gia đình tham gia sẽ được giảm 10% mỗi người; từ người thứ năm trở đi mức đóng chỉ bằng 60% người thứ nhất.
Trường hợp HSSV KCB không đúng cơ sở y tế đăng ký ban đầu (nhưng có trình thẻ) thì được thanh toán 70% chi phí đối với các trường hợp KCB tại các bệnh viện hạng III; được thanh toán 50% chi phí đối với các trường hợp KCB tại các bệnh viện hạng II; được thanh toán 30% chi phí đối với các trường hợp KCB tại các bệnh viện hạng I. Trường hợp KCB tại các cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB, hoặc tại các cơ sở có ký hợp đồng với cơ quan BHXH nhưng không trình thẻ BHYT, thì được thanh toán chi phí thực tế, nhưng mức thanh toán tối đa không vượt quá mức theo khung giá mà Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định ở Thông tư 09. Riêng với người tham gia BHYT tự nguyện thì sẽ được thanh toán: 80% chi phí KCB nội trú, ngoại trú, với các danh mục thuốc và dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán, điều trị do Bộ Y tế quy định (KCB ở tuyến xã được thanh toán 100%); được thanh toán 80% chi phí kỹ thuật cao có chi phí lớn trong 1 lần sử dụng dịch vụ, nhưng cũng không quá 40 tháng lương tối thiểu.
Ông Cao Văn Sang cho biết, trong tuần này, BHXH TP sẽ cho in bảng hướng dẫn về chính sách BHYT HSSV tại các trường học. Nhà trường tổ chức cho HSSV đăng ký tham gia BHYT theo lớp, khóa học và năm học; còn người tham gia BHYT tự nguyện thì liên hệ trực tiếp với UBND phường, xã nơi mình cư trú để mua BHYT, không nhất thiết phải có hộ khẩu tại TP.HCM, chỉ cần giấy xác nhận tạm trú tại TP từ 6 tháng trở lên. Nơi đăng ký KCB ban đầu tại tuyến bệnh viện quận huyện và tương đương.
Thanh Tùng (TNO)