Thứ năm, 12/11/2015, 22h09

Học sinh sợ phát biểu trong giờ học

Khi thấy học sinh sợ phát biểu, thầy cô khoan vội trách các em. Có nhiều lý do khiến các em không dám phát biểu trong giờ học. Một trong những lý do ấy chính là từ cha mẹ, thầy cô. Kiểu giáo dục mà cha mẹ, thầy cô luôn luôn đúng, con cái - học sinh phải học theo thì làm sao các em dám phát biểu, dám nói lên tiếng nói của mình. Các em sợ sai, sợ bị quê trước bạn bè nên “im lặng là vàng”. Trong khi đó, thầy cô trên lớp không cởi mở, không thân thiện, khi nào cũng cho ý kiến mình là đúng, không có sự phản biện trái chiều thì học sinh thụ động là phải rồi. Cứ bắt bẻ từng lời nói khiến cho học sinh sợ là lẽ đương nhiên.

Tôi luôn nhớ đến một giảng viên ĐH sư phạm đã dạy cho sinh viên chúng tôi về bài học: “Khơi nguồn cảm hứng cho học sinh”. Những năm gần đây, việc học sinh chán học văn bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Chính vì thế, việc giáo viên dạy như thế nào để tạo sự hứng thú cho học sinh là rất quan trọng. Tôi đã làm được điều đó cũng từ bài học của thầy. Ngày đó sinh viên rất hứng thú học những giờ của thầy, đó là do phương pháp dạy của thầy rất hay. Và tôi đã vận dụng một cách linh hoạt phù hợp với đối tượng và thời đại. Thầy nói: “Khi học sinh xung phong phát biểu, dù học sinh trả lời đúng hay sai thì các em đều cảm ơn học sinh. Nếu học sinh trả lời sai, các em dùng lời nói không phù hợp thì chắc chắn lần sau học sinh không dám trả lời”. Người thầy phải tinh tế và linh hoạt trong cách ứng xử, gợi hứng thú cho học sinh là điều quan trọng, đó là nghệ thuật sư phạm rất cần thiết. Bởi vậy, trong quá trình học sinh xây dựng bài, tôi luôn gợi mở, tạo sự hứng thú cho các em, dù các em có trả lời sai. Chính vì thế mà giờ dạy khá sinh động. Đối với tôi, chưa một học sinh nào bị “quê” khi các em phát biểu sai. Tôi thường nói: “Các em cứ trả lời như những gì mình nghĩ. Đúng càng tốt, sai cũng không sao. Từ cái sai chúng ta tìm tới cái đúng…”. Như vậy, tôi đã tạo động lực để các em xây dựng bài, hứng thú và tự tin khi phát biểu, tạo sự thân thiện và làm cho học sinh yêu môn ngữ văn hơn.

Nếu thầy cô luôn thân thiện, cởi mở, gợi sự hứng thú cho học sinh thì tôi tin rằng các em sẽ tích cực xây dựng bài và sẽ dạn dĩ hơn trong cuộc sống.

Hoàng Thái