Thứ sáu, 12/11/2010, 08h11

Học sinh sử dụng điện thoại di động: Cẩn thận với “con dao hai lưỡi”

Một học sinh tại Q.3, TP.HCM nhắn tin cho gia đình đến rước (ảnh chụp sáng 11-11). Ảnh: Q.Huy

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo quy định 6 hành vi mà học sinh (HS) tại các trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học trên cả nước không được làm. Trong đó có quy định cấm các em sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong giờ học. Trước khi dự thảo được đưa ra, nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM đã có nội quy này để đảm bảo cho giờ học không bị gián đoạn.
Lợi bất cập hại
ĐTDĐ hiện đang là một phương tiện được sử dụng phổ biến của giới HS, SV, đặc biệt là bạn trẻ ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, rất nhiều HS cấp 2, cấp 3 sử dụng ĐTDĐ. Hầu hết, các em đều lý giải rằng: “Bố mẹ sắm điện thoại là để tiện liên lạc, trao đổi khi đến đưa đón hoặc kiểm soát việc học hành và vui chơi của chúng em”.
Chị Nguyễn Thị Nhung (nhà ở quận 3) than: “Vẫn biết bố mẹ không nên sắm ĐTDĐ cho con vì “phương tiện liên lạc hữu hiệu” này nhiều khi lại khiến các cháu mất tập trung học tập. Nhưng nếu không có nó, chúng tôi sẽ rất vất vả trong chuyện đưa đón con sau giờ tan trường. Chẳng hạn như con tôi năm nay học lớp 6 nhưng chiều và tối cháu đều đi học thêm. Lịch học thêm ở các trung tâm thay đổi liên tục, có lúc giáo viên cho về sớm, khi lại muộn hơn nên buộc lòng tôi phải sắm ĐTDĐ cho cháu để dễ dàng liên lạc khi đến đón”.
Thực tế, phần lớn các em HS đều sử dụng ĐTDĐ xa rời mục đích ban đầu của bố mẹ. Không chịu dừng lại ở chức năng nghe gọi, nhiều em rơi vào tình trạng “nghiện” khám phá các chức năng tiện ích của “dế yêu” như xem phim, nghe nhạc, lướt web... Những việc làm này chiếm rất nhiều thời gian khiến các em quên cả việc làm bài tập. N.N.B, HS Trường THPT Võ Thị Sáu thừa nhận: “ĐTDĐ đã thành vật bất ly thân với em rồi. Hễ cầm đến điện thoại trên tay là em đọc tin nhắn, lướt web rồi “tám” với mấy đứa bạn. Thậm chí, nhiều lúc cô giáo đang giảng bài mà điện thoại rung, em cũng cố gắng tìm cách xem tin nhắn”.
Không chỉ dừng lại ở mức độ tán gẫu hay lướt web, nhiều bạn trẻ còn xem điện thoại là đồ “trang sức”, là phương tiện thể hiện đẳng cấp của mình. Vì thế, các bạn HS, SV không chỉ tô điểm cho “dế yêu” bằng cách dán những hình ảnh bắt mắt, mới lạ mà còn thay đổi điện thoại liên tục. Cứ thấy trên thị trường xuất hiện điện thoại nào mới là các bạn lại vòi vĩnh bố mẹ mua cho bằng được. Một trong những lý do để các em thuyết phục các bậc “tiền bối” là điện thoại đắt tiền mới có thẻ nhớ để ghi âm khi học tiếng Anh hoặc lướt web tra cứu thêm tài liệu… Nghe có vẻ lọt tai, nhiều bậc phụ huynh “nhắm mắt” chiều chuộng theo ý con.
Để giờ học không bị gián đoạn
Trong những năm gần đây, nhiều trường tại TP.HCM đã yêu cầu HS không được sử dụng ĐTDĐ trong giờ học để đảm bảo việc dạy và học không bị gián đoạn.
Thầy Nguyễn Minh Hoàng Hải, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Văn Phú, quận 11 cho biết: “Để đảm bảo giờ học không bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại, nhiều năm qua, nhà trường chỉ cho HS mang điện thoại vào trường chứ không được mang lên lớp học. Điều này có nghĩa là khi mang điện thoại đến trường, các em phải gửi ở phòng giám thị, khi có việc thì xuống phòng giám thị gọi. Nếu HS nào vi phạm, nhà trường sẽ lập biên bản và tịch thu điện thoại của các em trong vòng một tuần. Em nào sau khi vi phạm vẫn ngoan cố sử dụng điện thoại, nếu nhà trường phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm hơn và giữ điện thoại trong một học kỳ”.
Khi phong trào xài ĐTDĐ của HS phổ biến, các em đưa điện thoại đến trường nhưng do chưa biết cách sử dụng nên trong giờ học, nhiều tiếng chuông bíp bíp kêu lên làm gián đoạn buổi học. Bên cạnh đó, nhiều em do quá chú ý vào “dế yêu” của mình mà mất tập trung trong giờ học. Vì thế, Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 đã kiên quyết với nội quy cấm HS sử dụng ĐTDĐ. HS nào vi phạm sẽ bị nhà trường tịch thu điện thoại và chỉ trả lại vào cuối học kỳ. Nhà trường đã cho lắp hai máy điện thoại công cộng ngay trong sân trường để các em có thể liên lạc với phụ huynh khi cần thiết. Thầy Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhận thấy HS sẽ chú tâm vào việc học hơn khi không có ĐTDĐ, nhưng nhu cầu liên hệ của phụ huynh với con em mình cũng rất cần thiết. Nhiều phụ huynh đã yêu cầu nhà trường cho các em dùng ĐTDĐ để dễ dàng liên lạc khi đến đón. Vì thế, sau 3 năm thực hiện quy định cấm HS sử dụng ĐTDĐ, đến nay nhà trường không cấm nữa nhưng yêu cầu các em phải tắt chuông trong giờ học, nếu em nào vi phạm sẽ có hình thức xử lý thích hợp. Đồng thời, giáo viên cũng thường xuyên nhắc nhở các em sử dụng ĐTDĐ như thế nào cho đúng mục đích để nó là phương tiện phục vụ có hiệu quả cho cuộc sống của mình. Nếu không nó trở thành “con dao hai lưỡi” làm các em mất tập trung trong việc học”.
ĐTDĐ là một phương tiện liên lạc vô cùng hữu ích, nhưng việc sử dụng nó như thế nào cho đúng mục đích lại là chuyện khó. “Nếu sử dụng không đúng cách, tâm lý các em có thể bị ảnh hưởng bởi những luồng thông tin xấu qua các trang web. Vì thế, việc cấm HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học là cần thiết. Bên cạnh đó, việc giáo dục để các em không quá lạm dụng vào nó cũng là một vấn đề đáng được các bậc phụ huynh quan tâm”, chị Trần Thu Hà - có con đang học lớp 11 tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức - chia sẻ.
Dương Bình