Thứ ba, 6/12/2016, 22h00

Học sinh thời ăn, học, ngủ… ngoài đường

Thời đại của bệnh thành tích khiến cho nhiều học sinh không được sống và vui chơi đúng với lứa tuổi của mình. Theo đó, nhiều em đã vô tình trở thành cái-máy-học khi phải học và học suốt ngày. Học đến mụ cả người.

Mỗi khi ra đường, nhất là ở các thành phố lớn, chúng ta thường nhìn thấy hình ảnh học sinh ngồi trên xe sau lưng phụ huynh ngủ gật, học và ăn. Lưng của phụ huynh bỗng trở thành “chiếc bàn đa năng” cho con em mình: học, ăn và ngủ. Chiếc bàn “tiện lợi” này dần dần trở thành hình ảnh quen thuộc giữa phố phường và cũng là chiếc bàn quen thuộc của một số học sinh chạy sô với kiến thức. Buổi sáng là hình ảnh học sinh tranh thủ ngủ hay học sau lưng ba mẹ. Chiều tan trường là hình ảnh nhiều em ăn cơm hộp, gặm bánh mì… để chạy sô cho kịp buổi học tối. Nguyên nhân nào khiến học sinh học, ăn và ngủ… ngoài đường như vậy? Đó là căn bệnh thành tích của người lớn: Vì phải chạy sô học nhiều quá nên các em buộc phải “chạy đua” kiến thức.

Việc các em ăn, học và ngủ như vậy có tác hại đến sức khỏe. Trước hết là ảnh hưởng tới đôi mắt. Đọc sách vở trong tình trạng chuyển động khiến mắt phải điều chỉnh cho phù hợp để có thể nhìn thấy chữ, như thế vô tình gây căng thẳng cho mắt. Thứ hai, tuổi học sinh cần có nhiều thời gian ngủ nghỉ, các em ngủ ít ảnh hưởng tới mắt cũng như tinh thần. Thứ ba, ăn uống như vậy sẽ ảnh hưởng tới bao tử, chất lượng bữa ăn. Chung quy lại, những hoạt động như vậy diễn ra khi đang ngồi trên xe ảnh hưởng tới cột sống (khi đọc sách, ăn uống trong tư thế chuyển động, cơ thể không được thăng bằng), mắt và sức khỏe.

Để không còn những tác hại như trên, một trong những việc đầu tiên cũng là điều quan trọng nhất là “hãy cởi trói kiến thức sách vở” cho các em. Theo đó, ngành giáo dục cần hạn chế kiến thức sách vở và tăng cường những bài học về kỹ năng sống, thực hành. Hãy tạo cho học sinh ghi điểm bằng những hành động thực tế có ý nghĩa thiết thực để các em có thời gian ăn học, nghỉ ngơi một cách hợp lí. Đặc biệt, phụ huynh đừng biến con em mình thành những “cỗ máy học” bởi bệnh thành tích của mình.

Thái Hoàng