Thứ sáu, 30/10/2015, 08h30

Học sinh trải lòng chuyện chọn nghề

TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao trả lời câu hỏi của học sinh về sinh trắc dấu vân tay để chọn nghề

Thông qua chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Trãi vừa qua, các thành viên trong Ban tư vấn đã được nghe những tâm tư rất gần gũi của học sinh lớp 12 trước ngưỡng cửa chọn nghề.

Mơ hồ thông tin ngành nghề

Mở đầu chương trình, em Hồ Hoàng Phước (học lớp 12A2) đã khiến sân trường “nóng” lên khi đặt câu hỏi rất đúng với nhu cầu của nhiều học sinh hiện nay: “Em rất quan tâm đến ngành quản trị kinh doanh nên có tìm hiểu về ngành này trên internet nhưng chỉ thấy những thông tin rất chung chung. Không riêng gì ngành quản trị kinh doanh mà nhiều ngành khác cũng gặp phải tình trạng tương tự, thông tin đưa ra không đủ thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu cũng như sự tò mò của chúng em. Vậy làm sao để có được thông tin đúng với những gì mình cần?”. Trước khi trả lời câu hỏi này, TS. Võ Hoàng Hải (Phó trưởng phòng Đào tạo - Khảo thí Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM), nhìn nhận: Thông tin về các ngành học được rất nhiều trường học, trung tâm hướng nghiệp, kênh truyền thông cung cấp nhằm giúp học sinh hiểu về ngành nghề một cách thuận lợi nhất. Tuy nhiên, vì một số điều kiện hạn chế, những thông tin này còn rất chung chung, chưa đi sâu vào thực tế và đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu cặn kẽ của học sinh. Những thông tin này vốn đã được chắt lọc kỹ nên cũng cung cấp được khoảng 70% nội dung về tính chất, đặc điểm, hướng đi mà ngành học đó đào tạo. “Ngoài internet, các em có thể tham khảo thêm nhiều kênh thông tin khác như gọi điện trực tiếp đến tổng đài tư vấn của trường, xin sự tư vấn của những anh chị đã và đang học ngành đó để hiểu rõ hơn về ngành mình sẽ chọn. Việc các em chủ động tìm hiểu thông tin, chủ động đặt vấn đề với Ban tư vấn cũng chứng tỏ thái độ nghiêm túc của các em trong lựa chọn và định hướng nghề nghiệp. Đây cũng là một tố chất rất phù hợp với ngành quản trị kinh doanh”, TS. Võ Hoàng Hải chia sẻ.

Một học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Trãi đặt câu hỏi tại chương trình “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai”

Sinh trắc dấu vân tay: Chỉ mang tính tham khảo

Em Bùi Ngọc Diễm Quỳnh (học lớp 12A2) chia sẻ với Ban tư vấn là khó lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, vì vậy em có ý định làm sinh trắc dấu vân tay để xác định sở trường của mình. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao (giảng viên tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết hiện đã có nhiều nghiên cứu cho thấy sinh trắc dấu vân tay cho kết quả khá chính xác về những khả năng trong nhiều lĩnh vực một người có thể thực hiện dựa trên những nghiên cứu về di truyền học, phôi học, sự cấu tạo của vân tay và não bộ. Bản báo cáo về sinh trắc vân tay có thể cho kết quả chính xác tới 95%. “Tuy nhiên cần lưu ý rằng đây chỉ là một trong những cách giúp các em xác định được những năng lực mình có thể thực hiện, chỉ là yếu tố tiền đề giúp các em dễ dàng chọn ngành nghề nhưng không phải là tất cả. Khi biết được tiền đề, các em vẫn phải tiếp tục học tập và rèn luyện để phát triển những tiền đề đó, biến nó thành lợi thế của riêng mình. Năng lực không phải là sở thích. Một công việc làm được nhưng nếu không thích thì cũng không thể đạt tới đỉnh cao của sự thành công như mong đợi”, TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao phân tích.

Chi phí để thực hiện một khảo sát sinh trắc dấu vân tay khá đắt (3 triệu đồng/người) nên TS. Quỳnh Giao khuyên các em học sinh nên cân nhắc khi thực hiện. Theo TS. Quỳnh Giao, ngoài sinh trắc dấu vân tay, học sinh có thể thực hiện các bài trắc nghiệm về tính cách nghề nghiệp để xác định sở thích, năng lực. “Hiện trên thế giới đã có nhiều bài kiểm tra giúp đánh giá chính xác đặc điểm tính cách, sở thích nghề nghiệp, các kỹ năng hay khả năng học tập của bản thân sẽ phù hợp với ngành nghề cũng như lĩnh vực nào nhất và cho kết quả khá chính xác, có thể dựa vào kết quả này để xác định nghề nghiệp cho mình”, TS. Quỳnh Giao nói.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Box: “Em thích ngành báo chí - truyền thông, nhưng không biết mình có hợp với nghề này hay không? Nhu cầu nhân lực của ngành này trong thời gian tới sẽ ra sao?”, em Bùi Thanh Hiền (học lớp 12A8) hỏi.

- Trả lời câu hỏi này, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) khẳng định: Ngành báo chí - truyền thông là một trong những ngành có nhiều tiềm năng để phát triển. Trong thời gian tới, do nhu cầu mở rộng, thâm nhập thị trường nên các công ty, doanh nghiệp sẽ cần nhiều tới lĩnh vực truyền thông để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Theo tiến trình phát triển của xã hội, lĩnh vực báo chí cũng sẽ phát triển đa dạng theo nhiều chiều hướng trong giai đoạn sắp tới. Nếu đi theo ngành báo chí - truyền thông, em cần phải có nhiều kỹ năng để đáp ứng được nhu cầu nghề nghiệp và đòi hỏi của xã hội.

Bà Lê Ý Cơ (Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) cho biết thêm: Để trở thành một phóng viên tác nghiệp tốt trong ngành báo chí, các em cần phải có tư duy nhanh nhạy, khả năng đánh giá vấn đề bao quát và khách quan, có sức khỏe và sức chịu đựng tốt để chịu được áp lực căng thẳng trong công việc…