Chủ nhật, 21/5/2017, 00h05

Học sinh trải nghiệm với kịch văn học

Sau vài lần Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) tổ chức buổi học ngoại khóa đến với sân khấu kịch, bước đầu đã có những hiệu ứng tích cực trong phương pháp dạy và học văn.

HS Trường THPT Bùi Thị Xuân hào hứng theo dõi vở kịch “29 anh về” (ảnh: Sân khấu Hoàng Thái Thanh cung cấp)

Những bài thu hoạch ý nghĩa

Thời gian gần đây, đưa học sinh (HS) đến xem kịch tại sân khấu là hoạt động ngoại khóa ý nghĩa, thiết thực được nhiều trường áp dụng. Chính những giờ phút trải nghiệm này đã giúp các em có cơ hội được tiếp cận với ánh đèn sân khấu, rút ra những bài học mà những giờ giảng trên lớp thường khó có thể mang lại cho các em những cảm xúc chân thật, sinh động như vậy. Em Dương Nguyễn Bảo Thy, HS lớp 10A8 chia sẻ: “Khi xem vở kịch “29 anh về” ở Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, có những cảnh đã làm em thật sự xúc động. Buổi học ngoại khóa ở sân khấu không chỉ giúp em cùng các bạn được thư giãn, giải trí mà còn cảm nhận được cái đẹp của nghệ thuật, những bài học có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống”. Chính từ những cảm xúc chân thành như thế mà Bảo Thy cùng các bạn trong nhóm học tập của mình đã có một bài thu hoạch xuất sắc về vở kịch “29 anh về” trong cuộc thi “Sân khấu cuộc đời” do Trường THPT Bùi Thị Xuân tổ chức. “Tôi biết cuộc đời đầy những mảng màu xám xịt, rằng cái xấu, cái ác vẫn ở đó, hiện diện, vẫn chờ chực để nuốt chửng con người. Tôi đã nghe về những người gặp tai nạn giữa đường, nhưng điều đầu tiên họ nhận được không phải là sự giúp đỡ của mọi người, mà là những bức hình cùng những lượt yêu thích trên facebook. Tôi đã biết về những người HS, bị bắt nạt, đánh đập, lăng mạ do bạo lực học đường, nhưng xung quanh họ không một ai lên tiếng, không một ai giúp đỡ. Người ta bỏ mặc, người ta sợ phiền hà, người ta im lặng cho đến khi những nạn nhân chọn cách tự tìm đến cái chết. Nghĩ đến đó, trái tim tôi chợt nhói đau. Phải chăng nếu như lúc đó cũng có một Bình An, thì những mảnh đời ấy đã khác đi, những con người ở độ tuổi đẹp nhất đời người sẽ vẫn còn có thể đứng lên thêm lần nữa. Tôi nhớ có ai đã từng nói: Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng của những người tốt…” - một đoạn của bài thu hoạch được nhóm của Bảo Thy liên hệ với thực tế để rút ra những bài học cho chính mình đã cho thấy cảm xúc chân thành của các em sau khi xem vở kịch “29 anh về”. Với bài thu hoạch này, Ban Giám đốc Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh trao phần thưởng cho các em là những chiếc vé xem kịch ở những suất diễn tiếp theo.

Tăng tính tương tác

Chính sân chơi “Sân khấu cuộc đời” đã giúp các em có cơ hội được thể hiện những cảm xúc chân thật, sâu sắc của mình sau khi xem những vở kịch. Cảm xúc được nối tiếp cảm xúc khi những khán giả học trò có cơ hội được thể hiện cảm xúc của mình trên trang giấy, giúp các em có sự chú ý, quan tâm đến nghệ thuật sân khấu kịch nói, hiểu rõ hơn giá trị các tác phẩm văn học. Ba lần đến với Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, em Lê Huỳnh Nhi, HS lớp 11A12 đều có những trải nghiệm cảm xúc rất khác nhau. Nhi cho biết sẽ còn trở lại sân khấu này cùng gia đình, bạn bè bởi đây không chỉ đơn thuần là hoạt động giải trí mà còn giúp em cảm nhận được cái đẹp của nghệ thuật, thấm thía nhiều bài học quý báu trong cuộc sống, đồng thời Nhi cũng thêm trân trọng sự lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Thầy Nguyễn Thanh Huy, giáo viên văn Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết: “Tổ văn của nhà trường lựa chọn Sân khấu Hoàng Thái Thanh vì đây là sân khấu chính kịch, chuyên trình diễn những vở kịch chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Khi rời sân khấu, các em đều bày tỏ sự thích thú. Đặc biệt, qua bài thu hoạch cho thấy sự chuyển biến rõ rệt của HS trong việc học văn, mảnh đất cho sự sáng tạo của các em được mở rộng. Qua đó, mỗi em tự hình thành những nhân sinh quan đúng đắn, tăng tính tương tác với giờ văn trên lớp chứ không còn là những bài giảng một chiều khô khan”.

Thầy Nguyễn Thanh Huy, giáo viên văn Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết: “Tổ văn của nhà trường lựa chọn Sân khấu Hoàng Thái Thanh vì đây là sân khấu chính kịch, chuyên trình diễn những vở kịch chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Khi rời sân khấu, các em đều bày tỏ sự thích thú. Đặc biệt, qua bài thu hoạch cho thấy sự chuyển biến rõ rệt của HS trong việc học văn, mảnh đất cho sự sáng tạo của các em được mở rộng. Các em viết sâu, cảm nhận rất riêng, rất đỗi chân thành, viết bằng tất cả hỉ nộ ái ố sau những giờ phút trải nghiệm khi xem kịch ở sân khấu. Qua đó, mỗi em tự hình thành những nhân sinh quan đúng đắn, tăng tính tương tác với giờ văn trên lớp chứ không còn là những bài giảng một chiều khô khan”.

Hiện nay, với không ít HS, kịch nói vẫn là một loại hình giải trí còn khá mới mẻ. Những buổi ngoại khóa đến với sân khấu kịch là cách giúp các em tiếp cận với một hình thức ngôn ngữ sân khấu. Qua đó, các em sẽ có thái độ học tập tích cực, hướng đến những điều chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.

Yên Hà