Thứ sáu, 29/1/2010, 08h01

Học sinh vùng ven, ngoại thành: Đường đến trường không còn xa nữa

Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận (thứ 2 từ phải sang) trong buổi lễ khởi công xây dựng Trường THPT Bình Trị Đông A

Chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2010), tiến tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngành GD-ĐT TP.HCM phối hợp với các quận, huyện tổ chức khởi công và khánh thành các công trình, trường học… Vậy là từ nay con đường đến trường sẽ không còn xa nữa đối với hàng ngàn học sinh ở các quận ven và huyện ngoại thành…
Niềm vui ở những ngôi trường mới
Chiều 27-1, tại quận Bình Tân đã long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng Trường THPT Bình Trị Đông A. Tổng diện tích khuôn viên là 15.032m2, sàn xây dựng 8.619,8m2 với 36 phòng học và các phòng chức năng cho khoảng trên 1.600 học sinh. Được biết tổng kinh phí đền bù, giải tỏa và xây dựng là 76 tỷ đồng. Tại buổi lễ, thay mặt cho các hộ nằm trong diện di dời để nhường đất cho việc xây trường, ông Huỳnh Văn Xuân ở 65C P. Hương Lộ 2) tâm sự: “Gia đình tôi có nhà và đất nằm trong dự án xây dựng Trường THPT Bình Trị Đông A. Lúc đầu tôi và các hộ dân khác rất trăn trở, nếu phải di dời đi nơi khác, cuộc sống, công việc sẽ ra sao…? Thế nhưng qua việc giải thích của các ban ngành, đoàn thể của phường và quận về mục đích, ý nghĩa của việc dựng trường, chúng tôi đã an tâm trong việc việc di dời đến nơi ở mới. Qua đó nhận thấy mình đã đóng góp được một phần công sức trong việc “trồng người” trên địa bàn quận Bình Tân. Trước đây khi chưa có dự án xây dựng Trường THPT Bình Trị Đông A, con em chúng tôi đi học gặp rất nhiều khó khăn. Do hai Trường THPT An Lạc, Vĩnh Lộc cách nhà từ 3 tới 5 cây số. Những tháng mùa mưa thì vô cùng cực khổ, sáng con đi học quần áo sạch sẽ, chiều về ướt nhèm có khi dính đầy bùn, đất đỏ… Hỏi ra mới biết các cháu bị đường trơn trợt, té xe nên mới xảy ra như thế. Bây giờ có ngôi trường mới này, từ nhà tới trường gần hơn rất nhiều, gia đình tôi và những hộ khác rất an tâm cho con em mình tới trường”.
Tại huyện Củ Chi, đứng trước ngôi trường mới xây, thầy Nguyễn Văn Quý, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thạnh Đông chia sẻ: “Trước đây nhà trường có hai cơ sở (ở ấp 4 và ấp 7), việc đi dạy và học của thầy và trò gặp rất nhiều khó khăn. Có giáo viên vừa dạy hết tiết học bên này đã phải vội vàng qua cơ sở khác do có tiết, còn học sinh thì không có sân chơi để tập thể dục và sinh hoạt ngoại khóa, do đó chất lượng không được đảm bảo. Trường mới được xây với quy mô 36 phòng học, gồm một trệt, hai lầu với diện tích sử dụng 11.354m2, kinh phí đầu tư 25 tỷ đồng, sẽ giúp thầy và trò chúng tôi thuận lợi trong việc đi lại, chất lượng dạy và học chắc chắn sẽ được nâng lên”.
Tại xã Tân Thông Hội (Củ Chi) hàng ngàn người dân và học sinh cũng khấp khởi chờ đợi ngày khai trương ngôi trường tiểu học thứ ba trên địa bàn xã. Ngôi trường góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và giúp con em trên địa bàn có chỗ học khang trang, hiện đại hơn. Đây là ngôi trường được nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đứng ra vận động các mạnh thường quân tài trợ kinh phí (khoảng 32 tỷ đồng).
Ở ngôi trường mới xây THCS Tân Thạnh Đông, chúng tôi thật xúc động biết chừng nào khi tận mắt chúng tôi chứng kiến nhiều học sinh bên các dãy hành lang, ở các cầu thang mới tíu ta tíu tít khoe ngôi trường xinh đẹp của mình. “Làm cha, làm mẹ nhìn các con, các cháu trong ấp lội bộ đi học xa chúng tôi xót xa lắm chứ, nhưng biết làm sao được khi địa phương còn nghèo chưa có đủ tiền để xây trường. Nay có ngôi trường mới vừa đẹp, vừa khang trang lại vừa gần nhà thì còn mong muốn nào hơn được nữa” – chị Nguyễn Thị Nhàn, xã Tân Thông Hội tâm sự.
Nâng cao việc dạy hai buổi/ngày
Ông Phạm Văn Mười, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết: “Với mục đích hướng đến các ngày lễ lớn trong năm 2010, là quận mới sau khi được tách ra từ huyện Bình Chánh nên vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng xã hội. Lúc đầu toàn quận chỉ có 21 cơ sở giáo dục công lập, gồm 7 trường MN, 9 trường TH, 4 trường THCS, 1 trường THPT và 25 cơ sở trường dân lập tư thục. Những năm gần đây, do dân số của quận tăng nhanh, chủ yếu là dân từ các nơi khác đến sinh sống và làm việc, đến nay toàn quận có số dân trên 568.000 người. Điều này làm cho việc tổ chức trường lớp để đáp ứng chỗ học cho tất cả con em nhân dân trên địa bàn quận trở nên bức xúc. Trong khi thực tế về CSVC trường lớp trên toàn quận vừa thiếu, vừa yếu, không đáp ứng được nhu cầu thiết thực được học tập, rèn luyện của HS và phụ huynh. Từ thực tế trên, Đảng bộ quận đã đề ra mục tiêu là tập trung đầu tư phát triển sự nghiệp GD của quận lên một mức cao hơn để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Năm 2009, khởi công xây mới 6 trường học và trong năm 2010 này tiếp tục xây mới thêm 7 trường học của các bậc học với tổng kinh phí 759,342 tỷ đồng trong đó có Trường THPT Bình Trị Đông A”.
Vui mừng và phấn khởi trước những kết quả đạt được trong việc chăm lo đời sống, văn hóa, xã hội và giáo dục của quận Bình Tân, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận chỉ đạo: “Tôi rất vui mừng được thay mặt cho lãnh đạo TP đến dự buổi lễ khởi công Trường THPT Bình Trị Đông A và mong muốn các cấp lãnh đạo quận thực hiện tốt ba việc sau: Một là, không chỉ xây dựng trường, lớp để đảm bảo đạt chuẩn quốc gia mà tiến tới con em trên địa bàn phải được dạy và học hai buổi/ngày. Mong muốn thứ hai của TP là quận tiếp tục chỉ đạo các ban ngành hoàn chỉnh các hồ sơ cần thiết, để tiếp tục khởi công các dự án trường, lớp mới tiếp theo mà TP đã bố trí nguồn ngân sách cho quận. Ba là quận phải thường xuyên chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ đối với các dự án công ích để làm sao cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư, đơn vị thi công và các đơn vị khác phải nghiêm túc thực hiện đúng tiến độ xây dựng mà Nhà nước đã ban hành. Các công trình phải đảm bảo chất lượng, mỹ thuật và kỹ thuật, đưa công trình vào sử dụng đúng thời gian, kế hoạch đã đề ra”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy