Thứ năm, 1/12/2016, 23h31

Học tập ngoài trời được nhiều hơn trong lớp

Thực hiện kế hoạch hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường THPT năm học 2016-2017 của Sở GD-ĐT TP.HCM nhằm trau dồi cho học sinh kiến thức thực tiễn, tạo không khí “học mà chơi, chơi mà học”, mới đây Trường THPT Bùi Thị Xuân đã tổ chức cho hơn 600 em khối 11 học tập tại khu rừng phòng hộ Cần Giờ - Khu du lịch Dần Xây, tích hợp ba môn học: lịch sử - địa lý - giáo dục công dân.

Thầy trò tại Khu du lịch Dần Xây (huyện Cần Giờ)

Trong chuyến đi, các em học sinh được cung cấp các thông tin về lịch sử hình thành, phát triển, các hoạt động kinh tế chính của huyện Cần Giờ; được trực tiếp quan sát và tìm hiểu cách phân biệt giá trị của các loài động thực vật chính của rừng ngập mặn. Đồng thời, cùng với việc tham quan, các em đã sưu tầm những chiếc lá khô để thiết kế nên những bức tranh lá khô với chủ đề “Bảo vệ môi trường” rất sáng tạo và độc đáo. Đặc biệt, các em còn trực tiếp trồng cây tại rừng ngập mặn. Trên hết, ngoài những kiến thức, các em còn rèn luyện được tính đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và nhận thức sâu hơn trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Thầy trò nhà trường trên đường vào rừng ngập mặn Cần Giờ

Chuyến đi là một trong những nội dung nằm trong chuỗi hoạt động ngoại khóa “Hào khí ngàn năm” của ba tổ lịch sử - địa lý - giáo dục công dân sẽ tổ chức vào đầu tháng 1-2017. Sau chuyến đi học tập thực tế, các em làm bài thu hoạch để ghép vào tập san của chuỗi hoạt động này. Cụ thể, các học sinh lớp 11A15 đã viết: “Một chuyến học tập ngoại khóa ở khu rừng Sác Cần Giờ đã cho chúng tôi nhiều bài học quý giá. Hiểu thêm về vùng đất này, về lịch sử và cuộc sống nơi đây giúp chúng tôi có cái nhìn tổng quan hơn về đất nước Việt Nam mến yêu…”. Và các em cũng thừa nhận, những kiến thức mà mình có được trong chuyến đi “là điều không sao học được ở trường lớp”.

Qua chuyến đi, các em học sinh biết được vì sao hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ vào thế kỷ XX và sau 1975 khác nhau. Đó là “trong chiến tranh bom đạn và chất độc hóa học đã làm nơi đây trở thành “vùng đất chết”. Từ năm 1966 đến 30-4-1975, bộ đội đặc công Rừng Sác đã đánh gần 400 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 lính Mỹ và chư hầu; đánh chìm và cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu, đánh đắm 13 tàu vận tải, bắn cháy 145 giang thuyền; bắn rơi 29 máy bay trực thăng. Trong tổng số hơn 1.000 chiến sĩ thì có 860 đã hy sinh, trong đó có 542 chiến sĩ đến nay vẫn chưa tìm thấy xác”. Còn bây giờ thì, “Rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ là tài sản riêng của Việt Nam mà đã trở thành tài sản chung của nhân loại, trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới - được Chương trình Con người và Sinh quyển - MAB của UNESCO công nhận vào ngày 21-1-2000. Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Rừng Cần Giờ có một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều mà hệ thực vật nơi đây rất phong phú với trên 150 loài, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác…”.

Các em học sinh đang thiết kế bức tranh lá khô với chủ đề “Bảo vệ môi trường”

Qua chuyến đi này các em học sinh khối 11 nói chung và học sinh lớp 11A5 nói riêng còn được biết về các lễ hội văn hóa - phong tục tập quán cũng như di tích lịch sử của huyện Cần Giờ. Điển hình là Lễ hội Nghinh Ông - hàng năm cứ đến ngày 15-8 âm lịch, ngư dân Cần Giờ lại náo nức với Lễ hội Nghinh Ông, các chủ phương tiện trang hoàng cờ phướn cho con tàu thêm rực rỡ để tham gia cuộc rước Nghinh. Lễ hội thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tham dự, thông thường khách có thể lên bất cứ con tàu nào để tham gia đoàn Nghinh Ông trên biển…

Bài, ảnh: Thùy Linh