Thứ sáu, 15/5/2009, 08h05

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tôi học Bác “kiệm từ”

Tôi gặp ông khi ông ra Hà Nội nhận giải thưởng các tác giả, nghệ sĩ, tập thể có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Khác với trí tưởng tượng của tôi, ông là một “ông già” hóm hỉnh và rất vui tính. Đã từng làm báo, ông cũng có những trải nghiệm đối với nghề và nghiệp của người cầm bút. Ông chính là Đoàn Minh Tuấn, một trong 10 tác giả văn học được nhận bằng khen trong lễ trao thưởng lần này.
Tôi học Bác “kiệm từ”
Sinh năm 1932 tại Quảng Ngãi, trong suốt thời gian dài cầm bút, nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã nhiều lần được gặp Bác. Ông cho biết, mỗi người khi tiếp xúc với Bác đều học được ở vị cha già đáng kính của dân tộc một điều gì đó. Với ông là đức tính cần kiệm. Cần kiệm không phải chỉ trong cách sống mà cả trong cách viết. “Đầu tiên là viết dài rồi cứ cắt dần, cắt dần để câu chữ được trau truốt, cô đọng hơn”. Ngay trong cuốn sách Bác Hồ - cây đại thọ được ông viết từ năm 1989 và được bổ sung tái bản hoàn chỉnh năm 2008 do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành có tới 22 tác phẩm viết về Bác. Nhưng cuốn sách cũng chỉ dày 159 trang. Có những câu chuyện ông chỉ viết trong 4 trang sách rất nhỏ như Tình cảm lớn lao của Bác Hồ với thương binh, Marian Tkchốp gặp Bác Hồ nhưng đều xúc động lòng người. Câu chữ ít, ngắn gọn nhưng người đọc không cảm thấy “thiếu”. Chính vì vậy ông đã từng nói “Tôi rất sợ viết một cuốn sách 200 trang mà chỉ một tháng rưỡi, thời gian ấy theo tôi là chỉ phấn đấu cho một bài ký 5.000 từ. Tôi chỉ là người thợ đục đá leo lên, không dám nói nhiều, chỉ cầu mong được mạnh khỏe còn “quota thời gian” sẽ còn leo tiếp đến ngọn Ngũ Hành Sơn!”.
Ở ngoài đời, ông được coi là ông nhà văn “dễ tính”, dễ chơi nhưng trong cách viết, ông giống như một “mụ già khó tính”, cần mẫn, tìm từ, tìm chữ. Câu văn của ông thường ngắn gọn theo cấu trúc “chủ - vị”, nếu có dài hơn, thường được ngăn cách bằng nhiều dấu phẩy. Các câu chuyện ông kể về Bác, viết về Bác đều mang đậm “tính báo chí”. Trong tác phẩm Châu tự do, ở đoạn mở đầu, ông đã dùng rất nhiều dấu chấm: Chúng tôi ngược bờ sông Đáy về phố huyện Sơn Dương. Hai bên đường dọc theo nông trường chè Tân Trào, những bụi cây trinh nữ ngại nắng khép kín lại. Những con suối lũ dềnh lên ào ào cuốn những cành cây gãy chảy ra sông…”.
Tâm sự của một người “già”
Đã đến cái tuổi xưa nay hiếm, ông cho rằng, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thật hợp thời. Dường như, hình ảnh về Bác đang dần bị mai một. Cần có một cuộc vận động để mọi người nhớ về Người. “Người dân cũng cần phải học tập nhưng những người lãnh đạo phải học nhiều hơn. Vì họ là người lãnh đạo đất nước” - ông nói. Trong con mắt của một ông lão gần 80, lịch sử thật công bằng. Bánh xe lịch sử sẽ đánh bật những gì đi ngược với thời đại và sẽ lưu giữ mãi những gì được lịch sử tôn vinh.
Có lẽ ông là một trong những nhà văn hạnh phúc nhất. Bởi ông đã được các con mình “tế sống” bằng tập sách Đoàn Minh Tuấn - đời văn - đời người do NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản năm 2008.
Không chỉ là một nhà văn, ông còn là một nhà giáo dục tâm huyết. Đã từng đi khoảng 30 nước trên thế giới nên ông hiểu giáo dục các nước đang đứng ở đâu và Việt Nam đang đứng ở chỗ nào. Ông cũng đã từng viết nhiều bài cho Báo Giáo Dục TP.HCM trong đó có tác phẩm Tư tưởng Hồ Chí Minh trong “Nhật ký trong tù” đã được đưa vào cuốn sách Bác Hồ - cây đại thọ.
Chia tay ông, ông vẫn không khỏi thắc mắc tại sao tòa soạn lại để cho một phóng viên xứ Bắc gặp gỡ viết về ông trong khi đại bản doanh của ông và của tòa soạn đều phía Nam. Tôi chỉ lý giải với ông rằng đó là cái duyên để tôi, một người lần đầu tiên gặp ông viết về ông.
Nghiêm Huê