Thứ tư, 23/1/2013, 14h01

Học thuộc lòng - cách học cơ bản

Đối với thế hệ học sinh mấy mươi năm về trước, việc học thuộc lòng bài học là chuyện đương nhiên, là việc quan trọng trong quá trình học tập. Nhiều năm trôi qua, những áng văn, bài thơ được học, thậm chí đến bài học lịch sử, địa lý... luôn được những lứa học trò thời ấy ghi nhớ đến giờ, chính là do các nội dung kiến thức ấy đã được học thuộc lòng.
Sau này, khi “rộ lên” chuyện học văn mẫu để đạt điểm cao trong kiểm tra, thi cử, mọi người “đả phá” chuyện học thuộc lòng văn mẫu. Văn mẫu làm cho học sinh “học vẹt”, thiếu sáng tạo, cản trở các em phát huy sự tích cực học tập… Học thuộc lòng văn mẫu là một cách thức học tập sai mà ai cũng phải thừa nhận. Tuy nhiên, từ việc “lên án” chuyện học văn mẫu, dẫn đến cho rằng không nên cho học trò học thuộc lòng bài học ở tất cả các môn mà hãy để các em hiểu và ghi nhớ bài học một cách tự nhiên, điều ấy có đúng không?
Thực tế, ngay ở môn tiếng Việt, ngữ văn, việc học thuộc lòng những câu văn, đoạn thơ, câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ là điều hết sức cần thiết không chỉ trong việc làm bài mà nó còn là kiến thức văn hóa, văn học ở mỗi con người. Nhiều giáo viên dạy văn ở THCS, THPT hiện nay thường than vãn, với những đề bài văn như: “Phân tích đoạn thơ Thúy Kiều báo ân, báo oán”, “Phân tích đoạn cho chữ trong Chữ người tử tù” hay “Qua các bài thơ của Hồ Xuân Hương, hãy nêu lên khao khát tự do của người phụ nữ phong kiến”… nếu như không có bài thơ, đoạn thơ, đoạn trích kèm theo thì chắc chắn rằng khá nhiều học sinh của lớp không làm bài được vì các em không thuộc đoạn văn, câu thơ để lấy ý phân tích, dẫn chứng.
Ở môn lịch sử cũng thế, chúng ta không nên buộc các em học hết các nội dung bài học lịch sử nhưng thời gian, nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử là những điều các em phải học thuộc, không thể nào chỉ nghe qua, đọc qua mà các em nhớ dai, nhớ lâu được.
Một học sinh lớp 10 hỏi: “Sông Cửu Long, sông Tiền, sông Hậu; sông nào lớn nhất trong 3 con sông ấy?”. Một sinh viên ĐH năm thứ tư cũng đã từng hỏi tôi: “Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là vua hay là tướng?”… Thật đáng tiếc! Đấy là những kiến thức lịch sử, địa lý mà các em đã từng học ở tiểu học. Vậy mà giờ đây, các em không nhớ gì cả. “Lời nói gió bay”, lời giảng của thầy cô trước đây chỉ là con số không nếu như các em không học thuộc.
Trong các cuộc thi về kiến thức trên truyền hình hiện nay, ngay cả cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên như “Rung chuông vàng” chẳng hạn, các câu hỏi về văn, sử, địa là những câu có nhiều người trả lời sai nhất. Bởi với các kiến thức xã hội chỉ có học thuộc lòng thì mới ghi nhớ lâu được.
Chúng ta không bắt buộc học sinh học thuộc nội dung tất cả các môn học, các bài học nhưng học thuộc lòng các kiến thức cơ bản ở các môn xã hội là hết sức cần thiết. Learn by heart (học thuộc lòng) - học bằng trái tim thì khó thể nào quên được. Học thuộc lòng luôn có giá trị trong việc học tập.
Lê Phương Trí