Thứ hai, 12/12/2011, 15h12

Học tiếng Anh qua giao tiếp

Hiện nay học sinh (HS) phổ thông rất sợ môn tiếng Anh (nhất là khi giao tiếp bằng tiếng Anh) - các em thiếu tự tin khi giao tiếp, nhất là với người nước ngoài. Vậy đâu là nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này?
Đầu tiên là do hình thức kiểm tra, chủ yếu là viết. Do đó HS chỉ chú trọng và đầu tư vào bài tập viết. HS luôn học những tiết Speaking trong tình thế đối phó hoặc ít quan tâm. Thứ hai là vốn từ vựng còn nghèo, kỹ năng nghe bị hạn chế và cách học thụ động đã ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp. Một số em phát âm không chuẩn nên ngại nói chuyện trước đám đông. Ngoài ra, trong giờ lên lớp, giáo viên (GV) còn quá chú trọng đến việc diễn giải các quy tắc ngôn từ trong giao tiếp. Chính điều này đã làm cho HS thiếu tự nhiên mỗi khi mở lời diễn ý. Bên cạnh đó thầy cô chưa nắm được cách thức tổ chức quy trình dạy học theo hướng giao tiếp, thiếu động viên và khích lệ nhiều em cùng tham gia một lúc vào hoạt động rèn luyện ngôn ngữ làm cho không khí buồn tẻ, đơn điệu thiếu sinh động.
Để hạn chế những tình trạng trên, trước hết chúng ta cần xác định: mục tiêu chủ yếu của việc dạy giao tiếp là giúp HS có thể giao tiếp mọi nơi mọi lúc với một thái độ tự tin nhất định. Bên cạnh việc truyền dạy những kỹ năng cũng như công cụ giao tiếp, GV còn phải biết gợi mở để HS có thể nói lên ý kiến của mình một cách tự nhiên, trôi chảy. Kinh nghiệm cho thấy muốn HS tự tin GV phải tạo được bầu không khí thuận lợi cho lớp học khiến các em thích thú mỗi khi được lên lớp. Điều này có thể thực hiện bằng quy tắc 3 steps: Bước 1, GV tạo uy tín với lớp học bằng trình độ chuyên môn của mình. Nghiêm túc nhưng đừng quá khắt khe hay thường xuyên la mắng HS. Chuẩn bị tốt trước khi vào lớp GV sẽ truyền đạt được những cái hay nhất cho HS. Bước 2: Tìm cách chiếm sự tin cậy của các em bằng tác phong gần gũi và thân thiện. Đưa ra những câu hỏi hay đầu giờ có liên quan đến bài học và cho các em trả lời. Sau đó chia sẻ và giải đáp những thắc mắc nếu có. Thường xuyên kể những câu chuyện ngụ ngôn, triết lý cuộc sống có ý nghĩa như: Hạt giống tâm hồn, Cuộc sống yêu thương… Thỉnh thoảng có những câu nói đùa vui, hành động biểu cảm vui nhộn tạo bầu không khí sôi nổi. Đặc biệt đừng quá câu nệ những lỗi ngữ pháp trong giao tiếp của HS mà nên chú ý đến lỗi phát âm để các em sửa chữa từ từ. Bước 3: Thường xuyên chia nhóm bàn luận trao đổi, tổ chức phân vai đóng kịch. Thêm những chủ đề nói hấp dẫn bên cạnh những chủ đề cơ bản trong SGK với mục đích gợi mở tư duy sáng tạo cho HS.
Ngoài ra GV có thể tạo hứng thú cho các em bằng những kỹ thuật như: giới thiệu lịch sử cách phát âm một số từ qua các thời đại, cách đọc của người Anh và người Mỹ khác nhau như thế nào, đọc sai thì gây hiểu nhầm ra sao? Thường xuyên cho các em nghe nhạc tiếng Anh dưới hình thức điền vào chỗ trống.
Đất nước trong quá trình hội nhập nên việc mở rộng quan hệ các nước trên thế giới cũng như thương mại đòi hỏi chúng ta có trình độ ngoại ngữ, biết giao tiếp tốt. Bằng mọi cách để các em ngày càng tiến bộ hơn trong việc giao tiếp tiếng Anh ở trường phổ thông.
Tạ Thị Ngọc Giàu
(GV Trường THCS Phú Mỹ,  Q.Bình Thạnh)