Thứ tư, 5/12/2012, 14h12

Học từ thực tế

Nhà trường và phụ huynh tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với kiến thức thực tế cuộc sống. Ảnh: V.L

Trong việc dạy và học hiện nay, giáo viên và học sinh đều gặp khó khăn đó là do học sinh thiếu kiến thức từ thực tế.
Đối với các thầy cô, trước mỗi bài giảng mới đều vướng phải trở ngại chính là việc quá nhiều học sinh không có kiến thức từ thực tế trong cuộc sống. Do đó, bài giảng phải liên tục dừng lại để giáo viên giải nghĩa từ, cung cấp các kiến thức thông thường thì các em mới có thể tiếp thu bài học được.
Dễ dàng thấy nhất là ở môn tập làm văn, sự thiếu hiểu biết của học sinh đã dẫn đến những câu văn ngô nghê, dùng từ sai, ý không đúng... như tả mẹ làm bếp thì có em viết: “Mẹ em múc gạo bỏ vào nồi rồi đem ra vòi nước rửa gạo”, còn luộc rau thì “Mẹ bỏ rau muống vào nồi, đổ nước vô rồi bắc lên bếp nấu”; tả cây cối thì “Thân dừa xù xì, từ trên đỉnh, cành dừa chỉa ra chi chít. Lá dừa dài, xanh mướt mọc ra từ hai bên cành dừa”, “Hoa đào tỏa hương thơm ngào ngạt”…
Ở môn luyện từ và câu, khi cho học sinh luyện tập điền vào chỗ trống từ đồng nghĩa chỉ màu đen thì kết quả thường gặp là: “Mắt thâm, mèo ô, quần mun, ngựa huyền”…
Đối với học sinh thành phố thì những bài học liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi dường như các em mù tịt. Các em không hề biết thế nào là gieo mạ, cấy, gặt, đập… Các dụng cụ nông nghiệp học sinh cũng không biết tên gọi khi nhìn hình ảnh dụng cụ đó.
Khi dạy môn khoa học, nếu không cho học sinh nhìn sách thì các em không thể trả lời được những điều hết sức bình thường mà ai cũng ngỡ là các em đã biết. Các kiến thức về thực vật, động vật dường như hiếm học sinh nào biết. Học sinh thành phố hiện nay dường như chỉ biết hoa hồng, mai, cúc, đào, lan. Các em hầu như không biết tên những loài hoa khác. Động vật thì chỉ biết về chó, mèo. Dạy khoa học về an toàn khi sử dụng điện, các em không biết cầu chì là cái gì, công tắc điện thì cứ gọi là nút nhấn… Do đó, tiết khoa học giáo viên cứ phải liên tục giải thích, giảng giải.
Điều này có thể dễ dàng lý giải đó là do các em được gia đình quá bảo bọc, không cho làm những công việc thông thường. Cha mẹ ít trao đổi, giảng giải cho con cái về các kiến thức phổ thông. Trong khi đó, các em ít xem các chương trình truyền hình hay đọc những loại sách báo có thể cung cấp các kiến thức về đời sống, về xã hội. Chương trình truyền hình các em thường xem là hoạt hình, phim thần tiên, giả tưởng, các game show...; còn sách các em đọc chỉ là truyện tranh. Thảo Cầm Viên - nơi mà trước đây cha mẹ không chỉ cho con em đến vui chơi mà còn có thể cung cấp các kiến thức về thực vật, động vật dường như trở thành xa lạ với học sinh. Hiện nay, nơi vui chơi mà các em thường đến là Đầm Sen, Suối Tiên, Đại Nam… Chính vì thế, học sinh hiện đang gặp trở ngại lớn trong học tập. Các em không thể tự tin, mạnh dạn phát biểu xây dựng bài học những điều mà các em không biết. Từ đó các em không thể viết văn hay khi kiến thức thực tế không có.
Bởi thế, cha mẹ cần lưu ý quan tâm giải thích những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng không ai nói thì các em không thể tự biết. Qua một chuyến đi chơi hay cùng xem một bộ phim với con cái, phụ huynh cần cung cấp cho các em những kiến thức về động vật, thực vật, các hiện tượng trong tự nhiên... Các bậc cha mẹ cũng nên cho con làm những công việc gia đình, đó chính là vốn sống cần thiết cho các em. Thầy cô giáo cũng nên giới thiệu, khuyến khích học sinh xem những chương trình truyền hình, những loại sách báo cung cấp các kiến thức khoa học và đời sống cho các em. Để học tốt, học sinh rất cần những kiến thức từ thực tế và giáo viên cũng sẽ có nhiều thời gian để cung cấp cho các em các kiến thức mới lạ hơn chứ không phải chỉ giải thích, giảng dạy những điều thông thường mà đáng lẽ ra các em đã biết.
Lê Phương Trí
(Giáo viên Trường TH Đống Đa, Q.4, TP.HCM)
Đối với học sinh thành phố thì những bài học liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi dường như các em mù tịt.