Chủ nhật, 8/11/2015, 09h25

Học và hỏi

Để quá trình học thêm tích cực, người học phải luôn ý thức là học đi liền với hỏi. Ảnh: Anh Khôi

Khi học, nếu chỉ biết ngồi lặng nuốt lấy từng lời của thầy cô thì khác gì một chú chim non đang há miệng chờ mẹ mớm mồi cho. Thầy nói gì nghe nấy. Thầy bảo gì làm nấy. Thậm chí thầy giảng sai cũng im lặng, không dám bày tỏ phản ứng thái độ gì.

Cách học thụ động, rập khuôn máy móc như vậy rõ ràng không thể kích thích được tư duy nơi học sinh. Tính bị động tiêu cực đó sẽ trở thành một rào cản không nhỏ khiến tư duy các em trở nên thiếu hẳn sự linh hoạt sáng tạo, chủ động. Và như vậy còn đâu khoảng trời mơ mộng để khám phá; còn đâu thế giới cảm xúc để thăng hoa.  

Học là quá trình tìm hiểu, nhận biết khám phá những điều xung quanh mình chưa biết và cần biết. Thế giới nhận thức chỉ được hình thành một cách sâu sắc bền vững khi nó thỏa mãn việc trả lời, giải mã hệ thống những câu hỏi được nảy sinh trong quá trình học tập, sinh hoạt và lao động để tồn tại, phát triển. Hỏi thầy. Hỏi bạn. Hỏi cha mẹ, anh chị. Hỏi những người xung quanh.

Ngày nay khi thời đại tri thức bùng nổ, các phương tiện thông tin đa chiều phát triển từng giờ, biên độ, đối tượng hỏi để học; hỏi để đào sâu nâng cao tầm nhận thức; hỏi để phản biện đã mang tính vĩ mô toàn cầu. Song trước hết hãy biết hỏi chính mình, biết đặt ra những vấn đề để mình tư duy, theo đuổi, khám phá sáng tạo. “Tôi tư duy là tôi tồn tại” (René Descartes - nhà triết học Pháp,  1596-1650)

Việc hỏi vì thế đã trở thành nhu cầu của quá trình nhận thức. Năng hỏi mới năng suy nghĩ, mới rèn cho tư duy mình ý thức khát khao hiểu sâu, hiểu tận cùng vấn đề cần học. Năng hỏi mới năng biết, mới năng tích góp những nguồn tri thức vô hạn mà mình cần cho biển học. Người học thông minh nhất, uyên thâm sâu sắc nhất là người biết bức xúc nảy sinh nhiều câu hỏi nhất. Những nhà bác học, những phát minh sáng chế xưa nay đều bắt đầu từ những câu hỏi. Vì sao lại có ngày có đêm? Vì sao lại có núi lửa, có động đất? Làm thế nào để con người bơi được dưới nước như cá, bay được trên trời như chim? Làm thế nào để có ngọn đèn sáng tỏ mà không cần thắp lửa?...

Học một, hỏi 10 sẽ hiểu biết 100. Đó là phép biện chứng của quy luật nhận thức, khám phá sáng tạo. Những em bé thông minh từ tuổi ấu thơ mới tập nói đã luôn đặt ra những câu hỏi “hóc búa” làm người lớn lúng túng. Những kiến thức được học từ những câu trả lời ấy sẽ dễ dàng neo lại trong bộ nhớ giúp kho kiến thức của ta ngày mỗi giàu có thêm một cách vững bền.

Thực tế không ít bạn trẻ khi học đã nảy sinh không ít câu hỏi, thắc mắc. Song vì tính rụt rè, thiếu tự tin nên không dám hỏi thầy, cũng chẳng hỏi bạn. Tính bị động thiếu tích cực ấy tạo thành thói quen mất dần hứng thú nảy sinh câu hỏi. Tư duy vì thế trở nên trì trệ. Quá trình nhận thức vì thế trở nên hời hợt, nhanh chóng lãng quên. Để thói quen “nhất ngồi ỳ, nhì đồng ý” ấy từng bước được loại bỏ ta phải nhanh chóng thay đổi chính mình, mạnh dạn tự tin để luôn sinh thành tư duy tích cực: Đã học là hỏi, được hỏi, được nghe trả lời thỏa mãn là niềm vui thích tột cùng.

Để quá trình học ngày một thêm tích cực, người học phải luôn thường trực ý thức học đi liền với hỏi. Biết hỏi là biết cách học thông minh nhất, hiệu quả nhất. Khi phương châm này trở thành thói quen tin rằng mọi người học sẽ dễ dàng có kết quả tốt như mình mong muốn.

NGƯT NGUYỄN  NGỌC KÝ

Thực tế không ít bạn trẻ khi học đã nảy sinh không ít câu hỏi, thắc mắc. Song vì tính rụt rè, thiếu tự tin nên không dám hỏi thầy, cũng chẳng hỏi bạn.