Thứ ba, 22/8/2017, 23h03

Học về sự giàu đẹp của tiếng Việt

Trong bài “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, đăng trên Tạp chí Học tập, số 4-1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp...”.

Học sinh tiểu học trong giờ học luyện từ và câu (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Đánh giá đó thực sự sâu sắc và ý nghĩa; mỗi người làm công tác văn hóa, giáo dục, truyền thông… đều phải chú ý học tập, tìm hiểu để góp phần gìn giữ sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nói đến sự quan tâm của giáo viên dạy môn tiếng Việt, ngữ văn trong nhà trường phổ thông về việc chú ý dạy học sinh nét đặc sắc của tiếng Việt qua những từ có liên quan đến cơ thể con người.

1. Có thể thấy rằng, những từ chỉ bộ phận thân thể con người đều rất gần gũi với tất cả chúng ta; đối với học sinh nhìn chung đều dễ cảm nhận được, bởi chúng hiện hữu ngay trên thân thể mỗi người. Tuy nhiên, phía sau mỗi từ, mỗi cụm từ hay các tổ hợp từ ấy thường mang nhiều tầng nghĩa, thì việc học sinh hiểu thêm một từ sẽ có thêm một vốn kiến thức, vốn từ vựng, đồng thời hiểu thêm một sắc thái mới của tiếng Việt, từ đó càng dễ cảm thụ sự phong phú của tiếng Việt.

Chẳng hạn, với từ “tay”, là “bộ phận phía trên của cơ thể người, từ vai đến các ngón, dùng để cầm, nắm; thường được coi là biểu tượng của lao động cụ thể của con người”, nhưng bên cạnh đó có nhiều tầng nghĩa khác. Chẳng hạn, nói “Lại đây, giúp một tay coi!”, thì tay mang ý nghĩa là biểu tượng của hoạt động tham gia vào một việc gì, chứ không có nghĩa dùng một tay để làm việc gì đó. Hay với câu “Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân”, thì tay là biểu tượng của quyền sử dụng, định đoạt. Hoặc, trong câu “Thằng ấy không phải tay vừa đâu!” thì tay chỉ con người có khả năng hoạt động nào đó, thường hàm ý tiêu cực (chê). Ngược lại, cũng là “tay” nhưng trong trường hợp này lại có ý tích cực, như “Hoàng Xuân Vinh là một tay thiện xạ” hoặc “Hắn là một tay cuốc có hạng ở xóm này”… Việc kết hợp của “tay” với những từ khác tạo nên các cụm từ, là những thành ngữ, quán ngữ cũng có ý nghĩa đặc sắc. Chẳng hạn, “tay bắt mặt mừng” là quán ngữ chỉ cảnh gặp gỡ vui vẻ, mừng rỡ; ở đây hẳn có việc tay bắt (nắm) lấy nhau, nên nó đi từ nghĩa đen sang nghĩa bóng. Tương tự như vậy, với “tay hòm chìa khóa”, chỉ quyền quản lý việc chi tiêu của gia đình hoặc của một nhóm người nào đó thì cũng gắn với việc giữ gìn hòm (tiền) và chìa khóa để mở chiếc hòm đó. Hay “tay làm hàm nhai” thì rõ ràng rằng có làm lụng (bằng tay và bằng những bộ phận khác) thì mới nuôi sống được bản thân…

Với từ “chân”, chỉ “bộ phận dưới cùng của cơ thể người hay động vật, dùng để đi, đứng; thường được coi là biểu tượng của hoạt động đi lại của con người” thì ta có “chân cứng đá mềm” (sức lực dẻo dai, vượt qua được mọi gian lao, trở ngại), “chân nam đá chân chiêu” (dáng đi lảo đảo, không vững), “chân đồng vai sắt” (sức chịu đựng được gian khổ, nặng nhọc khi đi xa và mang vác nặng), “chân giày chân dép” (sống nhàn rỗi, phong lưu), “chân lấm tay bùn” (làm ăn lam lũ ngoài đồng ruộng), “chân son mình rỗi” (còn son rỗi, chưa bận bịu con cái), “chân trong chân ngoài” (nửa muốn ở lại, nửa muốn đi khỏi; một lúc làm nhiều việc), “chân ướt chân ráo” (vừa mới đến một nơi nào, chưa hiểu tình hình)…

2. Ở môn tiếng Việt, ngữ văn, giáo viên nên chú ý cho học sinh tìm kiếm, tự giải thích những từ, ngữ có từ chỉ bộ phận cơ thể người, rồi tìm ra nét đặc sắc của nó, thông qua việc tìm từ, đặt câu hoặc các trò chơi; trong số những từ đó, từ nào có ý nghĩa tả thực (đúng với bộ phận con người), từ nào mang ý nghĩa ẩn dụ, hình tượng; tìm điểm chung của từng từ ấy. Chẳng hạn, qua liệt kê các từ, ngữ có từ “tay”, ta thấy đây đều là những từ, cụm từ chỉ hoạt động của con người, có chỗ chỉ hoạt động cụ thể thông qua tay nhưng cũng có chỗ lại biểu thị hoạt động của con người nói chung, có cả tay và trí óc. Hay với từ “chân”, phần nhiều thể hiện hoạt động đi lại, có phần nhọc nhằn, vất vả hoặc chịu những khó khăn nào đó. Điều đó mang ý nghĩa tư duy của người Việt ta, đó là hễ làm việc thì phải gắn với tay, còn vận động (có phần cực nhọc) thì gắn với chân. Tương tự như vậy, ta có thể tìm những từ liên quan đến “đầu”, “bụng”, “mình”, “tai”… Bên cạnh đó, ta cũng thấy có những từ chỉ bộ phận cơ thể người ghép lại với nhau để mang tính khái quát về một điều gì đó. Chẳng hạn, “bụng dạ” có hai nghĩa: bộ máy tiêu hóa gồm có dạ dày, ruột… (nói chung); bụng và dạ của con người, coi là biểu tượng của ý nghĩa sâu kín, không bộc lộ ra, đối với người, với việc nói chung. Hay từ “đầu óc” có nghĩa đầu của con người, coi là biểu tượng của khả năng nhận thức, suy nghĩ; đồng thời cũng có nghĩa là ý thức, tư tưởng chủ đạo ở mỗi người. Hoặc “mặt mũi” cũng vậy, mặt của con người nhìn một cách tổng quát; đồng thời là thể diện. Ta cũng có thể kể thêm “chân tay”, “chân cẳng”, “đầu tóc”, “da thịt”, “máu xương”, “máu thịt”…

Giáo viên cũng có thể gợi ý cho học sinh tìm ra các phương thức kết hợp, chỗ nào là danh từ ghép song song, chỗ nào là danh từ ghép chính phụ hoặc động từ ghép chính phụ, tính từ ghép chính phụ…, đều có tác dụng nâng cao vốn từ và năng lực tư duy thiết thực cho học sinh.

ThS. Nguyễn Minh Hải