Thứ bảy, 24/6/2017, 20h52

Hóc xương: Không thể xem thường!

Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ bị hóc xương trong ăn uống chỉ là chuyện nhỏ, nhưng thực tế đã gây những biến chứng nguy hiểm như áp xe đường thở, ngưng tim, thậm chí tử vong. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trở nên tồi tệ là do bệnh nhân tự chữa bằng phương pháp dân gian, hoặc chủ quan không đến bệnh viện để thăm khám sau khi gặp sự cố.

Người bị hóc xương nên đến cơ sở y tế để được can thiệp sớm và đúng cách nhằm tránh những nguy cơ đến tính mạng

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Vụ mắc xương cá gây ảnh hưởng tới sức khỏe xảy ra trong thời gian gần đây nhất là trường hợp của ông P.H.T (52 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương). Khi ăn canh chua, ông T. bị hóc xương cá lóc gây khó thở, tức ngực, ho có đờm. Đi khám tại cơ sở y tế địa phương, ông chỉ được cho toa thuốc uống trong 5 ngày. Tuy nhiên, đến 10 ngày sau đó tình trạng trên vẫn không thuyên giảm. Vào ngày 19-6, đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, ông T. được chụp CT scan và phát hiện một đoạn xương cá lóc có chiều dài khoảng 1,5cm cắm vào phổi, gây viêm nhiễm và gây ứ khí trong thùy dưới phổi. Sau đó các bác sĩ đã tiến hành gây mê và nội soi gắp được dị vật ra ngoài. 

Vào đầu tháng 6-2017, một vụ hóc xương cá gây nguy hiểm đến tính mạng cũng đã xảy ra đối với anh Mai Hưng Duẩn (41 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện ngụ quận 7, TP.HCM). Vào ngày 4-6, anh Duẩn ăn cơm với cá bị hóc xương, gây cảm giác vướng họng rất khó chịu. Dù “tự chữa” không được, nhưng những ngày sau anh vẫn cố đi bán hàng rong. Vào chiều ngày 7-6 khi đang đi bán hàng anh Duẩn bị khó thở, đau họng dữ dội nên báo cho người nhà tới đưa đi bệnh viện. Khi vừa tới cổng Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, anh Duẩn bất ngờ ngất xỉu, ngưng thở. Ngay sau đó, nạn nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng tím tái, mạch và huyết áp bằng 0, tiểu không tự chủ, nắp thở bị nhiễm trùng. Bác sĩ Nguyễn Quang Tú (trưởng kíp trực) cho biết, anh Duẩn bị hóc xương cá dẫn đến viêm thanh thiệt cấp, làm bít khí quản gây ngạt thở, nếu nhập viện chậm 10 phút thì có thể đã dẫn đến tử vong.

Một nạn nhân khác cũng suýt mất mạng vì hóc xương cá là trường hợp của chị Nguyễn Thị Tiến (ngụ Cửa Lò, Nghệ An). Trong một lần ăn cơm với cá chình, chị Tiến sơ ý nên bị hóc xương. Theo kinh nghiệm dân gian, chị đã tự chữa bằng nhiều cách như xoay đũa ăn, xoay tròn chiếc mâm, vuốt ngực và uống nhiều nước. Sau khi làm những cách này, chị Tiến không còn cảm giác vướng víu ở cổ họng nên nghĩ mình đã khỏi. Không ngờ 6 ngày sau, chị Tiến đột ngột bị sốt cao liên tục, đau họng dữ dội, chảy nước dãi liên tục, quay cổ khó khăn nên đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Kết quả thăm khám cho thấy chiếc xương cá dài 2cm đâm thủng thành thực quản cổ và tạo nên ổ áp xe lớn. Lập tức các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy xương và hút được 30ml mủ đặc thối, kịp thời xử lý ổ áp xe nguy hiểm.

Cũng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trước đây đã từng xảy ra vụ tử vong do hóc xương cá trên địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An). Bệnh nhân nam sau 6 ngày bị hóc xương cá thì thấy đau tức vùng ngực và vùng mũi ức nên đến khám ở bệnh viện huyện, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Tuy nhiên, khi các bác sĩ chưa kịp can thiệp thì bệnh nhân bất ngờ nôn ồ ạt ra máu tươi không thể cầm được. Bác sĩ Chu Nhật Minh (Khoa Nội soi - Bệnh viện Việt Đức) cho biết, bệnh nhân này bị hóc xương cá gây áp xe trung thất, dẫn đến bị vỡ động mạch chủ nên không qua khỏi. Tương tự, nạn nhân 11 tuổi tại Hải Hậu (Nam Định) khi ăn thịt chó cũng bị hóc xương. Người thân không đưa em đi bệnh viện mà trực tiếp cứu chữa bằng cách móc họng lấy xương, khiến em nghẹt thở và tử vong.

Cần đến bệnh viện trong vòng 24-48 giờ

Đó là khuyến cáo của bác sĩ CK2 Tăng Xuân Hải (người đã phẫu thuật cho bệnh nhân Nguyễn Thị Tiến ở Cửa Lò, Nghệ An). Theo bác sĩ Hải, từ 24-48 giờ sau khi bị hóc xương là khoảng thời gian vết thương ở thực quản chưa bị viêm nhiễm, nên bệnh nhân cần tranh thủ đến bệnh viện thăm khám để được nội soi gắp xương kịp thời. Điều cần lưu ý là bệnh nhân tuyệt đối không nên chữa mẹo vì khả năng thành công rất thấp, một khi đã hóc dị vật thì chỉ còn cách gắp ra mới giải quyết được.

Theo bác sĩ Lê Trần Quang Minh (Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM), khi mắc xương hoặc dị vật, nếu không được lấy ra sớm sẽ khiến cho bệnh nhân bị khó thở, ho và tức ngực. Nguy hiểm hơn nữa là bị nhiễm trùng, áp xe, thậm chí có trường hợp tử vong. Do đó, người bị hóc xương cần lưu ý, xương thường mắc ở vị trí cao thuộc cực dưới amiđan, xoang lê (hốc niêm mạc nằm cạnh sụn thanh quản). Nếu xương mắc ở các vị trí này thì việc gắp xương sẽ rất đơn giản, nhưng nếu cứ cố “tự chữa” bằng cách nuốt cơm, chuối vào sẽ làm cho xương đâm sâu hơn hoặc rơi xuống sâu ở vùng hạ họng, thực quản thì buộc phải nội soi thì mới có thể lấy xương ra ngoài.

Nói về vấn đề này, bác sĩ Phan Quốc Bảo (Khoa Tai mũi họng - Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) cũng khuyến cáo, khi mới bị hóc xương, cần nôn ọe hoặc khạc dị vật ra, nhưng không nên cố khạc quá nhiều vì có thể gây rách vùng họng. Người bị hóc xương cũng cần cẩn trọng khi bị mắc xương cá có kích thước lớn, xương gà có độ cứng và sắc. Vì thực tế đã từng có trường hợp bị hóc xương cá, xương gà gây áp xe nhiễm trùng làm hoại tử thành động mạch cảnh, nên khi vỡ ra sẽ gây xuất huyết dữ dội và tử vong nhanh chóng. Do đó, người bị hóc xương hoặc dị vật kim loại sắc nhọn, tốt nhất nên sớm đến cơ sở y tế để được can thiệp đúng cách và kịp thời.

Đinh Vũ