Thứ bảy, 16/9/2017, 22h41

Hội nghị Hội đồng Giáo giới ASEAN lần thứ 33: Hướng tới mục tiêu “dạy và học vì một tương lai bền vững”

Ngày 16- 9, tại Đà Nẵng đã diễn ra phiên chính thức của Hội nghị Hội đồng Giáo giới ASEAN lần thứ 33 do Công đoàn GD Việt Nam phối hợp với Hội đồng giáo giới các nước ASEAN (ACT+1) lần thứ 33 tổ chức. 

Quang cảnh phiên chính thức diễn ra ngày 16-9. Ảnh: H.Giang

Dự hội nghị có hơn 400 đại biểu là cán bộ, nhà giáo của các tổ chức Công đoàn GD, Hiệp hội Giáo viên các nước ASEAN và Hàn Quốc.

Với chủ đề “GD trong tiếp biến văn hóa toàn cầu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề xoay quanh hướng đề xuất các giải pháp GD trong bối cảnh toàn cầu hóa, các giải pháp hỗ trợ nhà giáo phát triển nghề nghiệp; giảm thiểu chênh lệch về chất lượng GD giữa các vùng miền, các quốc gia trong khu vực thống nhất chương trình hợp tác “vì một nền GD phát triển tiến bộ trong khu vực và trên thế giới”.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Văn hóa truyền thống là linh hồn, là giá trị, là điểm định vị tầm vóc, vị trí của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trong một cộng đồng thế giới hiện nay. Chúng ta cùng thống nhất nhận thức rằng, một nền văn minh với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ rất cần có yếu tố văn hóa đồng hành để tránh những tác động xấu có thể xảy ra. Chính vì thế, việc phát đi những tuyên ngôn về văn hóa, về tính nhân văn của cộng đồng là điều cấp thiết. Hội nghị có ý nghĩa thực sự khi cùng nhau thảo luận, bàn bạc và đưa ra giải pháp, đưa vào Nghị quyết các vấn đề mà GD các nước quan tâm, giải quyết”.

Bộ trưởng đã hoan nghênh sáng kiến của Hiệp hội cùng với Hàn Quốc và tin tưởng: “Đến với Hội nghị lần này, các bạn không chỉ có những đóng góp quan trọng trên bàn nghị sự mà còn có cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm GD gắn với giữ gìn bản sắc dân tộc của mỗi nước trong quá trình đổi mới nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của một xã hội văn minh hiện đại”.

Chia sẻ với các đại biểu về chủ đề này, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định văn hóa là nền tảng của xã hội, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và xã hội. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc cái hay, tiến bộ trong văn hóa của dân tộc khác. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và dành những điều kiện tốt nhất để phát triển GD, đặc biệt là GD gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện chủ trương đó, Bộ GD-ĐT Việt Nam đã và đang tiến hành những giải pháp đổi mới nhằm phát triển một nền GD tiếp cận xu thế hiện đại và trân quý các giá trị truyền thống. Việt Nam luôn mở rộng cửa hợp tác trên mọi phương diện với GD của các nước và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ trong điều kiện hiện có.

Nói về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong ngành GD, đại diện Công đoàn Giáo viên Singapore cho biết, Singapore chọn cách tiếp cận chính là thông qua GD tính cách và GD công dân (CCE). Theo đó các nguyên tắc phát triển CCE là GD lấy HS làm trung tâm; dựa trên giá trị, thể hiện tính cách; mở rộng phạm vi ra thế giới thông qua việc giáo viên hướng dẫn HS áp dụng những giá trị học ở lớp vào tình huống thực tiễn trong giao tiếp với gia đình, nhà trường, cộng đồng, quốc gia và thế giới; tạo điều kiện trải nghiệm cuộc sống của HS theo 4 nguyên tắc từ hỗ trợ HS tham gia tích cực vào tình huống thực tiễn, dạy HS vừa học giá trị vừa tiếp thu chúng, thu hút HS thông qua nhiều mô hình như hướng dẫn, thực hành kỹ năng, nêu gương, và cuối cùng là thu hút cha mẹ HS với vai trò đối tác…

Đại diện Công đoàn Giáo viên Hàn Quốc thì cho rằng, toàn cầu hóa là con dao hai lưỡi nên cần có chính sách GD để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ngay ở lứa tuổi HS. Theo đó, kinh nghiệm của Hàn Quốc là GD tính cách, GD vì sáng tạo và GD công dân toàn cầu. Trong đó GD tính cách là quy định bắt buộc các trường phải dạy cho HS về phẩm chất con người. Bên cạnh đó để ứng phó với biến đổi toàn cầu, GD Hàn Quốc đưa vào dạy tư duy sáng tạo, bản đồ tư duy, kết nối đại chúng, chấp nhận sự khác biệt…

Hội nghị ACT + 1 lần thứ 33, ngoài phiên chính với phần báo cáo của các quốc gia, còn có các phiên song song, tập trung thảo luận các vấn đề mà nhiều nước cùng quan tâm. Những báo cáo của Việt Nam đã đem đến cho các đại biểu bức tranh chung về GD Việt Nam ở thời điểm hiện tại, trong đó có chia sẻ kinh nghiệm kết quả đánh giá HS quốc tế PISA, thực trạng GD giá trị văn hóa truyền thống cho HS phổ thông…

Tại hội nghị, đại diện ngành GD các quốc gia đã có những tham luận tập trung chia sẻ nội dung, kinh nghiệm GD về văn hóa truyền thống và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống trong quá trình giao lưu, tiếp biến toàn cầu hóa. Chia sẻ những cách làm GD giá trị hiệu quả trên phương diện bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, hướng tới mục tiêu “dạy và học vì một tương lai bền vững”.

Phan Lệ