Thứ bảy, 23/6/2018, 17h53

Hơn 85% lao động ngành du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long chưa qua đào tạo

Chiều 22-6 tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo khoa học “Quản lý và phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long”, do Hiệp hội Du lịch Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) phối hợp TP này tổ chức với 200 đại biểu đến từ nhiều tỉnh, thành tham dự.

Ông Vưu Chấn Hùng (Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL) phát biểu tại Hội thảo

Thời gian qua, du lịch ĐBSCL có bước phát triển khá ấn tượng song công tác quản lý và phát triển còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập, chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, lượng khách quốc tế tăng nhưng lưu trú và trở lại rất ít.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã  phân tích,  đánh giá thực trạng quản lý và phát triển du lịch ĐBSCL. Bên cạnh những thuận lợi về thiên nhiên, cảnh quan, khí hậu, thời tiết, các giá trị văn hóa, con người, du lịch ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi bật là: Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tiến trình phát triển du lịch chưa được đào tạo bài bản, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, hơn 85% lao động trong ngành chưa qua đào tạo. Trong số đã qua đào tạo chưa tới 1% có chứng chỉ, khoảng 1% có bằng nghề, hơn 2% có bằng trung cấp, gần 3% có bằng CĐ-ĐH và sau ĐH. Cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch chưa đáp ứng nhu cầu đi lại về đường bộ, đường thủy cũng như hàng không.

Ông Vưu Chấn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL, chỉ ra: “Toàn vùng chỉ có 93% xã có đường ô tô dẫn đến trung tâm, thấp nhất trong các vùng kinh tế khác của cả nước. Giao thông nông thôn đường bộ chưa theo kịp tốc độ phát triển của vùng, phân bố chưa đều… trong khi đó đường thủy chưa được khai thác tốt.

Một góc chợ nổi Cái Răng, điểm đến thu hút khách du lịch

TS Nguyễn Quốc Nghi (Trường ĐH Cần Thơ) bức xúc: “Vấn nạn ô nhiễm môi trường, rác thải phát sinh từ hoạt động du lịch là một thách thức lớn. Nhiều điểm du lịch đang bê tông hóa ồ ạt, khai thác bừa bãi gây suy thoái môi trường và phản cảm đối với du khách quốc tế. Nạn ăn xin, chèo kéo khách, tình trạng “chặt chém”, lừa gạt khách khiến nhiều điểm, trong đó có chợ nổi đang phá đi những sản phẩm du lịch do mình tạo ra.

Các đại biểu cũng cho rằng cần có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các điểm nghẽn du lịch như: Kích cầu đầu tư, khuyến khích xã hội hóa và các loại hình đầu tư; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, giá cả của các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch; Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch; Gìn giữ sự tôn nghiêm các điểm du lịch tâm linh; Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng…

TS Nguyễn Quốc Nghi đưa ra giải pháp: “Nếu mỗi địa phương, mỗi điểm đến biết phát huy các giá trị nhân văn của địa phương, có thể là sự hiếu khách, phục vụ chuyên nghiệp, nét văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng… sẽ góp phần thu hút và giữ chân du khách, định vị thương hiệu du lịch địa phương. Vì vậy cải thiện tư duy làm du lịch của cộng đồng và tầm nhìn của nhà quản lý là rất quan trọng”.

Về nguồn nhân lực ngành du lịch, các đại biểu cũng đề nghị địa phương thống kê, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, từ đó xây dựng đề án triển khai các chương trình hành động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cộng đồng và nhân viên tại các điểm đến. Các cơ sở đào tạo cần cập nhật chương trình và quan tâm dạy ngoại ngữ cho sinh viên bởi hiện nay hầu hết sinh viên ngành du lịch ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Đan Phượng