Thứ ba, 20/6/2017, 21h12

Hơn 866.000 thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia

Chiều nay (21-6), hơn 866.000 thí sinh trên cả nước sẽ làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2017, nhận thẻ dự thi và đính chính các sai sót (nếu có). Trước đó, nhiều trường ĐH đã đưa cán bộ coi thi đến các tỉnh/thành phối hợp tổ chức thi.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM) động viên các chiến sĩ tình nguyện tại lễ xuất quân “Tiếp sức mùa thi 2017”

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay do các sở GD-ĐT chủ trì với sự tham gia phối hợp của nhiều trường ĐH-CĐ. Thí sinh sẽ thi tại tỉnh nhà, không phải di chuyển xa và được tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Mang ghế bố đi coi thi vì không thuê được chỗ nghỉ

Ngày 20-6, 450 cán bộ, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã “xuất quân” đến 23 điểm thi của tỉnh Bình Phước để phối hợp tổ chức thi. ThS. Nguyễn Văn Đương (Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường) cho biết, đây là số giảng viên đã được lựa chọn và tập huấn kỹ. Ông Đương nhận định, năm nay vai trò chủ trì là của Sở GD-ĐT, trường ĐH chỉ phối hợp nên cũng không quá áp lực. Tuy nhiên, khâu bố trí chỗ ở cho cán bộ coi thi của trường có chút khó khăn. Có một điểm thi tại xã Lộc Hiệp (huyện Lộc Ninh), do không kiếm được nhà khách tá túc, giảng viên của trường phải tự mang theo ghế bố để chủ động cho việc ngủ nghỉ. Cụ thể, điểm thi này có trên 10 phòng, 6 giảng viên cùng tham gia coi thi. “Dù vậy, trên tinh thần chung, nhà trường cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ tốt”, ông Đương nói.

10.000 lượt sinh viên TP.HCM “tiếp sức mùa thi”

Khoảng 10.000 sinh viên TP.HCM sẽ tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi 2017” do Hội Sinh viên TP.HCM phối hợp Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM và Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Cụ thể, giai đoạn từ ngày 18 đến 24-6, khoảng 4.000 sinh viên tình nguyện sẽ tập trung hỗ trợ thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại TP.HCM (tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ xử lý các tình huống khẩn cấp, đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm thi, hỗ trợ điều tiết giao thông tại các giao lộ gần địa điểm thi). Từ ngày 1 đến 8-8, khoảng 6.000 sinh viên tình nguyện sẽ đón, tư vấn, hướng dẫn thí sinh về thành phố nộp phiếu điểm xác nhận nhập học vào các trường ĐH-CĐ.

Các đội hình sinh viên tình nguyện tại bến xe (Miền Đông, Miền Tây, An Sương, Chợ Lớn) sẽ đón, hướng dẫn thí sinh và người nhà đến các điểm trường thuận lợi, nhanh chóng. Thí sinh và người nhà sẽ được phát tặng bản đồ thành phố, vật phẩm cần thiết…

Để đến 16 điểm thi ở các địa phương: Đạ Tẻh, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, TP.Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng, đoàn cán bộ, giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM cũng xuất phát từ 5 giờ sáng hôm qua. TS. Nguyễn Minh Hà (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM) cho hay, khoảng 350 cán bộ, giảng viên trường tham gia coi thi đợt này. Vấn đề lo lắng nhất theo TS. Hà là năm nay trách nhiệm đối với cán bộ coi thi rất lớn. Với bài thi tổ hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, các môn thành phần của từng bài thi này được thi lần lượt, giảng viên có thể sẽ lúng túng ở các khâu phát đề, thu bài, thu lại đề... Nhất là ở những điểm thi dành cho thí sinh tự do, nhiều em đã tốt nghiệp THPT năm trước, chỉ thi 1 hoặc 2 môn thành phần trong bài thi tổ hợp thay vì thi trọn, trường bố trí những giảng viên “cứng tay” và có nhiều kinh nghiệm tham gia coi thi để đảm bảo tính an toàn cao nhất.

TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) thông tin, 530 cán bộ, giảng viên trường tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại tỉnh Long An cũng đã di chuyển đến địa phương, phục vụ 30/39 điểm thi. Năm nay, toàn tỉnh này có hơn 13.000 thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển.

Lên phương án hỗ trợ thí sinh nếu có lũ

Về phía các sở GD-ĐT, bên cạnh tăng tốc chuẩn bị các khâu tổ chức thi, còn hỗ trợ tạo điều kiện cho những trường ĐH-CĐ về địa phương phối hợp. Ông Trương Thức (Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, việc in sao đề rất quan trọng, được sở thực hiện tại một địa điểm riêng biệt bên ngoài trụ sở, đảm bảo 3 vòng cách biệt. Năm nay toàn tỉnh có 22.390 thí sinh sẽ thi tại 43 địa điểm trên địa bàn 15 huyện/thị xã/thành phố. Trong đó, hai điểm thi Trường ĐH Tây Nguyên và Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk sẽ tổ chức thi cho hơn 2.000 thí sinh tự do. Có gần 1.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH-CĐ tham gia phối hợp.

Ông Thức cho biết thêm, trước đó, sở có phối hợp với các huyện kiểm tra nhiều địa điểm thi. Qua kiểm tra, nhận thấy điểm thi thuộc huyện EaHleo có tường rào quanh khu vực thi quá thấp, địa phương đã dùng lưới sắt nâng hàng rào lên để đảm bảo an ninh. Phần lưới rào này cũng được sơn đẹp mắt để tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh. Bên cạnh đó, huyện EaSup, mùa lũ hằng năm thường có lũ tràn qua 2-3 xã. Những địa điểm này được tỉnh đặc biệt chú trọng, bố trí lực lượng, sẵn sàng ứng phó, dự phòng trường hợp lũ tràn vẫn đảm bảo hỗ trợ đưa thí sinh đến điểm thi an toàn.

“Đối với điểm thi tại huyện Côn Đảo, đề thi sẽ được vận chuyển bằng máy bay ra với sự phối hợp của lực lượng công an tỉnh để đảm bảo an toàn, bảo mật”, ông Nguyễn Thanh Giang (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết khi nói về công tác tổ chức thi tại tỉnh này. Huyện Côn Đảo có một điểm thi với 4 phòng được bố trí tại Trường THCS-THPT Võ Thị Sáu.

Toàn quốc có 2.364 điểm thi THPT quốc gia

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có hơn 866.000 thí sinh dự thi tại 2.364 điểm thi với 36.382 phòng. Trong đó, TP.HCM có số lượng nhiều nhất với 114 điểm thi; Hà Nội và Thanh Hóa cùng có 112 điểm thi. Địa phương có số điểm thi ít nhất là tỉnh Kon Tum với 13 điểm.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ diễn ra trong hai ngày rưỡi (từ ngày 21 đến 24-6), rút ngắn hơn so với năm 2016 một ngày rưỡi. Ông Nguyễn Huy Bằng (Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập 10 đoàn thanh tra công tác thi THPT quốc gia 2017. Điểm mới là năm nay bộ chỉ đạo không thanh tra cắm chốt, các đoàn thanh tra của sở cần có sự tham gia trực tiếp của các trường ĐH.

Theo ông Bằng, kỳ thi năm nay được tổ chức ở nhiều điểm trên các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Địa bàn rộng, lực lượng tham gia đông nên việc thanh tra cũng cần có trọng tâm, trọng điểm, chú ý những nơi khó khăn, những vấn đề quan trọng, vấn đề dễ phát sinh sai sót. Như mọi năm, Bộ GD-ĐT vẫn chỉ đạo thanh tra đột xuất, không báo trước. Chẳng hạn, đoàn thanh tra phụ trách 2 tỉnh, dù tỉnh biết đoàn đến nhưng đến điểm nào trong cụm thi đó thì tỉnh không nắm trước được.

T.Trân

Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm nay có hơn 11.000 thí sinh dự thi, trong đó có 1.000 thí sinh tự do. Sở GD-ĐT bố trí 18 điểm thi trên địa bàn 8 huyện/thành phố, với tổng số 468 phòng thi. Theo ông Giang, bên cạnh lo chỗ ở, tỉnh còn bố trí xe ô tô đưa đón cán bộ, giảng viên coi thi.

60% câu hỏi trong đề thi ở mức cơ bản

Ngày mai (22-6), các thí sinh sẽ bước vào ngày thi đầu tiên với môn ngữ văn và toán. Theo PGS.TS Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT), cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2017 phù hợp với hình thức thi theo bài đã công bố trong phương án thi. Đề thi có nội dung trong chương trình phổ thông, chủ yếu lớp 12 tiếp tục theo hướng đánh giá năng lực người học như tăng cường vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đảm bảo phân hóa kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển ĐH-CĐ. “Trong mỗi đề thi của các môn thi thành phần và của các bài thi độc lập, các câu hỏi sẽ được sắp xếp từ dễ đến khó tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài. Đề thi sẽ có các câu hỏi ở mức độ cơ bản (khoảng ít nhất 60%) phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và các câu hỏi còn lại đáp ứng mục tiêu phân hóa ở các mức độ khác nhau để phục vụ mục tiêu xét tuyển vào hệ thống các trường ĐH-CĐ khá đa dạng của nước ta hiện nay”, ông Trinh nói.

Bài, ảnh: Mê Tâm