Thứ năm, 12/11/2015, 22h07

Hơn cả những gì ta nghĩ!

Trong nhà trường, đồng ý rằng có môn học chính, môn học phụ. Và điều này thường sẽ dẫn đến hệ quả là học sinh (HS) thích thú, xem trọng các môn học chính hơn môn phụ. Thế nhưng không phải hoàn toàn như thế, HS thường thích học môn này của giáo viên (GV) nọ, môn khác của GV kia là vì phương pháp dạy và tính cách của thầy cô hơn là môn học ấy chính hay phụ.

Khi còn học ở trường, HS thường thích những GV dễ gần gũi, hòa đồng với các em. Nhưng khi ra trường, các em lại có xu hướng đánh giá cao những GV có cách giáo dục nghiêm khắc, kỷ luật. GV thường đánh giá năng lực HS dưới mức hiểu biết của các em. Vì thế mà phương pháp dạy học dễ nghiêng về truyền thụ một chiều. Nếu biết khơi gợi để bày tỏ chính kiến, các em sẽ cho thầy cô nhiều kiến thức bất ngờ hơn những gì họ nghĩ.

Từ cách ăn mặc, lời nói, cử chỉ, đến những thói quen vặt vãnh của GV nhiều khi tưởng chỉ là thoáng qua dưới cái nhìn của HS. Nhưng không hẳn hoàn toàn như thế. Đối với một số HS, những biểu hiện ấy có thể sẽ trở thành thói quen đi suốt cuộc đời của các em. Có khi một nét chữ viết của người thầy cũng trở thành thói quen về nét chữ viết của trò mãi mãi sau này…

Những HS hay mắc lỗi là thường ít biết nhận ra lỗi của mình. Khi bị GV bắt lỗi thì các em thường cho là bị oan. Nếu GV càng chú ý đến, các em càng nghĩ rằng GV có ác cảm. Nhiều khi GV phải biết làm ngơ trước lỗi của HS. Muốn HS tiến bộ, khi bắt lỗi phải biết phân tích thật thuyết phục lỗi sai cho các em.

Ranh giới giữa giận dữ và từ tốn, yêu thương của GV đối với HS mong manh như sợi tóc. Giận dữ nhiều khi khiến cho GV cay nghiệt với HS mà lòng thì không vui. Nhưng nếu biết kiềm chế, ngả về bên kia ranh giới, lấy từ tốn, yêu thương công tâm dạy bảo thì bao giờ lòng cũng thanh thản.

GV thường nhớ nhiều nhất về hai đối tượng HS khi các em ra trường: Ngoan, học giỏi và rất cá biệt, nghịch ngợm. Thường thì dạng đối tượng thứ nhất dễ cho ta nghĩ về một tương lai tốt đẹp. Và chẳng có hy vọng gì nhiều ở đối tượng thứ hai. Nhưng đâu đó trong đời ta vẫn gặp những người rất thành đạt, rất biết lễ nghĩa... mà trước kia, khi còn đi học, họ thuộc dạng HS thứ hai ấy.

Không cần phải có thanh tra, thao giảng, dự giờ và chờ kết quả thi cử mới đánh giá được chất lượng giảng dạy. Hãy nhìn vào mắt HS trong mỗi tiết học. Ở đó đã nói thay cho ta tất cả cần phải làm gì.

Có nhiều phương pháp, nguyên tắc để giáo dục HS. Nhưng nhiều khi không nên áp dụng cứng nhắc một nguyên tắc, một phương pháp nào cả...

TRẦN NGỌC TUẤN