Thứ sáu, 27/11/2015, 11h43

Họp… hành!

Có một thời trường tôi họp hành khá nhiều (đúng theo nghĩa “bị hànhhọp”); có thể nói là đã “mắc bệnh họp”, thậm chí “bệnh ghiền họp”! Trong một tháng có các cuộc họp như: Họp hội đồng sư phạm, họp liên tịch, họp tổ chuyên môn (tuần chẵn), họp nhóm bộ môn (tuần lẻ); họp góp ý dự giờ; họp rút kinh nghiệm thao giảng, dự giờ; họp tổ chủ nhiệm, họp chi đoàn, họp chi bộ, họp công đoàn… Tháng đầu năm, cuối học kỳ và cuối năm học còn có thêm cuộc họp phụ huynh để thông báo… đóng tiền ôn thi của khối 12 và thông báo kết quả học tập, rèn luyện của khối 10, khối 11.

Nhiều khi giáo viên đang ngồi tranh thủ điểm tâm sáng thì loa phát lên mời họp đột xuất. Thế là ăn uống vội vội vàng vàng, ba chân bốn cẳng chạy lên phòng giáo viên để họp. Nội dung các cuộc họp không có gì to tát, có khi chỉ là những thông báo… đi họp ở trên hoặc họp để thông báo lịch họp tuần tới. Giáo viên ám ảnh họp đến nỗi vừa nghe tiếng loa khọt khẹt là biết ngay có họp hoặc hội ý gì đó (gọi là “Hội ý giữa giờ, họp giữa giờ”). Nhiều khi “hội ý giữa giờ” hết cả giờ giải lao và cả giờ lên lớp. Trong phòng, giáo viên cứ “hội ý”; trong lớp, học sinh nhao nhao vì đến giờ học rồi mà chưa thấy thầy, cô xuống lớp…

Họp hành liên tục như vậy dẫn tới sự căng thẳng trong những lúc đến trường. Giáo viên (bên cạnh tư thế lên lớp) còn lúc nào cũng luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng… dự họp! Một cuốn sổ ghi chép nội dung các cuộc họp là điều bắt buộc nên luôn luôn được để trong cặp cùng giáo án. Nếu ngồi họp không ghi chép thì cũng như không. Hồ sơ, sổ sách có rất nhiền món nhưng không thể thiếu món “Sổ hội họp” này!

Cũng phải nói thêm nhiều cuộc họp nói dông dài, thiếu cô đọng nội dung nên khiến mọi người mệt mỏi. Ngồi họp nhưng nói chuyện riêng, “trao đổi nhóm, thảo luận nhóm” thì nhiều. Hơn nữa, các cô giáo đã có gia đình còn phải chạy về đi chợ, nấu cơm. Thành ra, cứ gần cuối buổi họp là nhiều người xin phép ra về. Hiệu quả của các cuộc họp không cao là vì vậy.

Theo tôi, nhà trường cần giảm bớt các cuộc họp không cần thiết để giáo viên toàn tâm toàn ý giảng dạy. Đừng để giáo viên phân tâm, vừa lên lớp vừa nghe ngóng loa mời họp, mời hội ý… Đưa thông tin lên bảng tin, qua mạng thông tin của trường để thông báo nội dung, công việc cần thực hiện là đủ.

Việc họp quá nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học, ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên. Nhiều người sợ họp, sợ ngồi suốt cả tiếng đồng hồ để nghe giảng giải, phổ biến công việc… Ngồi viết những dòng này, “dư âm” các cuộc họp vẫn còn ám ảnh bản thân tôi.

Hồng Lam Sơn (Sóc Trăng)