Thứ năm, 26/11/2015, 11h43

Đổi mới dạy mỹ thuật ở tiểu học

Học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) trong giờ học mỹ thuật. Ảnh: Anh Khôi

Trẻ em nào cũng thích vẽ. Chưa biết viết, các em đã vẽ. Chính vì thế, mọi người đều nghĩ rằng mỹ thuật là môn học sẽ được tất cả học sinh tiểu học yêu thích. Tuy nhiên, trong thực tế, việc giảng dạy mỹ thuật ở tiểu học có hiệu quả là điều không dễ dàng.

Học sinh (HS) tiểu học thích vẽ nhưng số em có năng khiếu vẽ rất hiếm hoi. Các em lại thường thích vẽ những nhân vật trong truyện tranh, trong phim hoạt hình, vẽ những gì mình thích… chứ không thích vẽ, không có khả năng vẽ một vật hay vẽ theo một yêu cầu cụ thể nào.

Trong chương trình mỹ thuật ở tiểu học, bài học thường yêu cầu HS phải vẽ theo mẫu vật hay theo đề tài. Các bài vẽ theo mẫu vật thường giáo viên (GV) phải đưa hình vẽ mẫu hoặc hướng dẫn từng bước để các em không có năng khiếu mỹ thuật vẽ theo. Nếu không hướng dẫn tỉ mỉ như thế, đa số HS vẽ nhìn không ra vật gì. Với các bài vẽ theo đề tài thì càng khó khăn hơn, hiếm có HS nào trong thời gian 35-40 phút của tiết học có thể vẽ, tô xong 1 bức tranh. Vì vậy, những bức tranh nham nhở, chưa hoàn thành thường xuất hiện trong tiết mỹ thuật là điều đương nhiên.

Vừa qua, ngành giáo dục đã triển khai “Dạy học mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch” cho HS tiểu học. Đây là phương pháp dạy mỹ thuật tích cực. Dạy theo phương pháp này, lớp học không chỉ sinh động, hấp dẫn, kích thích được khả năng hội họa của HS mà còn phát triển các năng lực khác, tạo cơ hội cho các em thực hành các bài tập ứng dụng thiết thực, phục vụ cho học tập và cuộc sống của bản thân. Các phương pháp này thật sự rất hay. Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp dạy này trong thực tế không đơn giản. Bởi các bài dạy trong chương trình mỹ thuật của tiểu học hiện nay thật khó thực hiện theo các phương pháp này. Các trường có GV chuyên trách bộ môn mỹ thuật tuy khá an tâm về kiến thức, khả năng của thầy cô nhưng rất băn khoăn về thời lượng và chương trình dạy. Chương trình mỹ thuật của tiểu học phân bố bài dạy theo từng tiết, thường 1 bài được dạy trong 1 tiết, mỗi tiết học khoảng 35 phút. Trong khi đó, để thực hiện một quy trình theo phương pháp này ít nhất phải mất 60 phút (Trong các buổi tập huấn cho GV, có quy trình thực hiện đến 120 phút mới hoàn thành). Các hoạt động trong quy trình rất chặt chẽ, không thể lược bỏ bớt các hoạt động và cũng không thể tăng thời lượng 1 tiết học, vậy dạy thế nào cho có hiệu quả? Chưa nói đến những quy trình khó, đòi hỏi có khả năng mỹ thuật cao như “Trang trí và vẽ tranh qua âm nhạc”, “Xây dựng cốt chuyện”, “Tạo hình 3D - tiếp cận theo chủ đề”, “Tạo hình con rối và nghệ thuật biểu diễn”… Do đó các GV không được đào tạo mỹ thuật chính quy phải dạy học mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch là quá khả năng chuyên môn.

Chính vì thế, để dạy học mỹ thuật ở tiểu học có hiệu quả cần đổi mới từ nội dung bài học trong chương trình. Theo đó, mỗi bài vẽ thực hành phải được dạy trong nhiều tiết, không phải chỉ trong 1 tiết như hiện nay. Đặc biệt, GV dạy mỹ thuật phải được đào tạo chuyên ngành mỹ thuật của trường sư phạm. Có như thế việc áp dụng các phương pháp mới trong giảng dạy môn này ở tiểu học mới đạt hiệu quả cao.

Lê Phương Trí (GV Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4, TP.HCM)

Nuôi dưỡng niềm đam mê vẽ cho HS

Trong khi chờ đợi một sự đổi mới toàn diện ở môn mỹ thuật, GV dạy bộ môn này cần động viên, khuyến khích HS vẽ cho đẹp, tô cho đều. Theo đó, GV không nhất thiết buộc các em phải hoàn thành bài vẽ ngay sau tiết học. HS có thể vẽ các nét cơ bản ở lớp, về nhà các em tô màu cho đều đẹp hơn. Tiết học sau, các em sẽ nộp cho thầy cô. Ngoài ra, GV cũng có thể vận dụng các phương pháp dạy mỹ thuật của Đan Mạch như “vẽ mù” để các em học cách tìm nét đặc trưng trên gương mặt của một người cũng như tạo sự thích thú cho HS vì nó giống như một trò chơi đối với các em. Hay cũng có thể sử dụng vài bước trong quy trình “Trang trí và vẽ tranh qua âm nhạc” như bước khởi động trước khi vào tiết học trong chương trình. Để HS thích mỹ thuật hơn, GV cũng có thể dùng cách “Tạo hình 3D - tiếp cận theo chủ đề” hướng dẫn các em làm thiệp ở nhà nhân dịp 8-3, 20-11… Tất cả đều hướng đến việc nuôi dưỡng trong HS lòng yêu thích môn vẽ cũng như khơi dậy năng khiếu mỹ thuật của các em, để từ đó việc dạy mỹ thuật ở tiểu học sẽ có hiệu quả hơn.