Thứ năm, 27/6/2013, 21h06

HS đánh giá GV: Nên không?

Đừng đánh giá xong rồi…để đó!
Nếu việc học sinh (HS) đánh giá giáo viên (GV) diễn ra thực chất, đúng nghĩa và chính xác sẽ tạo thuận lợi lớn cho công tác quản lý đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng cũng như đổi mới tư duy giảng dạy mà đối tượng hưởng lợi cuối cùng lại chính là HS. Về phía GV cũng có động lực thúc đẩy trau dồi kỹ năng, kiến thức, liên tục “làm mới mình” để phục vụ yêu cầu thực tiễn dạy học.
Thực tế, trong khi hoạt động này đã được triển khai rộng và phát huy hiệu quả tích cực tại nhiều nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới thì ở nước ta lại diễn ra khá mờ nhạt.
Ở các nước, thời điểm kết thúc môn học, HS-SV tiến hành đánh giá GV thông qua phiếu khảo sát. Bộ phận quản lý đào tạo sẽ dựa vào kết quả khảo sát này, đồng thời tiến hành dự giờ, kiểm tra để đánh giá năng lực chuyên môn và khả năng đứng lớp của GV, từ đó quyết định cho thôi việc hay được tiếp tục giảng dạy. Kết quả đánh giá của HS-SV và hướng đề xuất giải quyết của bộ phận quản lý đối với những GV được đánh giá “chưa chuẩn” đều được công khai trên các phương tiện thông tin của trường.
Ở nước ta, công tác giám sát giảng dạy và lấy ý kiến người học thời gian qua tại nhiều đơn vị diễn ra rất “qua loa”, kém hiệu quả. Không ít HS-SV thực hiện một cách đối phó, ngại đánh giá thật vì sợ bị… “đì”. Người được giao nhiệm vụ thu thập ý kiến cũng chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc đánh giá nên thực hiện đại khái, tượng trưng.
Bên cạnh đó, khâu xử lý thông tin sau thu thập chưa được thực hiện đúng bài bản, chưa phân tích chính xác nguyên nhân sâu xa mà mới chỉ dừng lại ở những dữ liệu thống kê “bề nổi”. Những gút mắc của HS-SV sau khi lấy ý kiến chưa được chú ý nhiều, các vi phạm được xử lý chung chung và nhất là không công khai kết quả xử lý nên gây tâm lý nghi ngờ, mất lòng tin ở người học. Điều này dẫn đến hệ quả những lần sau đó, HS-SV chỉ đánh giá… cho có, không nói lên chính kiến của mình.
Trong quá trình đánh giá, không nên xem nhẹ những ý kiến thiểu số vì thực tế ở rất nhiều trường hợp, thiểu số lại phản ánh đúng thực chất vấn đề, còn số đông lại là các ý kiến “ảo”. HS-SV sẽ cảm thấy “ấm ức” nếu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các em dễ dàng bị nhà trường “bỏ qua”.
Tuy nhiên, việc lấy ý kiến HS-SV sẽ không hiệu quả đối với các GV biết cách “lấy lòng” các em thông qua việc cho điểm dễ dãi. Ngược lại, cũng có thể gây bất lợi cho các GV nghiêm khắc nhưng năng lực giảng dạy tốt. Vì vậy, việc thu thập ý kiến đánh giá GV cần thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, từ HS đến người đã tốt nghiệp… Hoạt động này sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta biết thiết kế bảng hỏi logic, phù hợp từng đối tượng, có trọng tâm và tránh chung chung. Đồng thời, cần viết hẳn chương trình phân tích dữ liệu sau khi thu thập. Bộ phận quản lý, phân tích dữ liệu cũng cần phải có đại diện phụ huynh và HS-SV trường. Đặc biệt, nên công khai kết quả đánh giá, hướng xử lý trên các phương tiện thông tin của trường. Tránh đánh giá xong rồi… để đó!n
Mê Tâm (ghi)
ThS. Nguyễn Đắc Hiển
(Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương)